Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn

Trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200.000 tỷ đồng/năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Các chính sách hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Ảnh: NAM ANH
Các chính sách hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Nguồn lực tài chính quay vòng sản xuất

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, từ đầu năm đến nay, dù đã có tín hiệu tích cực, song tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự ổn định do thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế - chính trị. Giá cả hàng hóa nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp như miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt khoảng 47.300 tỷ đồng. Trong đó, 8.500 tỷ đồng giảm thu theo các chính sách ban hành năm 2023 làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024. Tổng số các chính sách đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 184.860 tỷ đồng, trong đó giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92.300 tỷ đồng và gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92.560 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024; tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; nghiên cứu việc giảm mức thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và một số khoản thu phí, lệ phí khác. Trường hợp thực hiện các giải pháp bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí và lệ phí giảm thêm hơn 30.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về các chính sách này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng do có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy bởi rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.

Do đó, cần xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân và kéo dài chính sách giảm VAT 2%. Trong trường hợp nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng có thể nghiên cứu kéo dài chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4%.

Nghiên cứu gia hạn một số chính sách hỗ trợ

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển một cách bền vững. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200.000 tỷ đồng/năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn cần phải tăng cường năng lực cho tài chính công. Một số hạng mục không thể không đầu tư như hệ thống đường giao thông, đường cao tốc, sân bay, bến cảng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương, duy trì hoạt động bộ máy… “Đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, tình hình doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết những khó khăn lớn nhất hiện nay, như các khó khăn của doanh nghiệp liên quan tới thiếu vốn, thiếu việc làm do các vấn đề ách tắc về thị trường, chính sách. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, bởi một khi đầu tư công bị ách tắc cũng khiến các ngành phụ trợ bị ách tắc theo, cản trở việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều nền kinh tế đã tung ra các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả các chính sách để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực công nghiệp trọng yếu như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Chẳng hạn, Đức đang xây dựng gói kích thích kinh tế, quy mô khoảng 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) tập trung vào giảm thuế. Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip. Trong khi đó, Thailand quyết định triển khai kế hoạch kích thích kinh tế quy mô 500 tỷ baht (13,8 tỷ USD) trong 6 tháng cuối năm 2024, phát tiền trực tiếp vào tài khoản ví kỹ thuật số cho công dân từ 16 tuổi trở lên... Những động thái này đã và đang tạo nhiều thách thức cho Việt Nam, trong bối cảnh trong nước đang thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.

Vì vậy, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng mới đây, một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai. Kế hoạch là trong quý IV/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Trước vấn đề đặt ra, TS Nguyễn Quốc Việt cho biết, khi khảo sát nhiều mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, nhiều doanh nghiệp cho thấy họ sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư, sẵn sàng mạo hiểm thay đổi quy trình sản xuất công nghệ nhưng họ cần bảo đảm đầu ra sản phẩm được cạnh tranh với những mặt hàng bình thường khác. Do đó, Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt thương hiệu để các sản phẩm bảo đảm yêu cầu mới về chất lượng, môi trường, xã hội và năng lượng được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng. Ngoài ra, nếu sản phẩm tham gia được vào chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu thì doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ về vốn, thậm chí tham gia càng sâu càng nhận được hỗ trợ lớn.