Nỗ lực giữ đà xuất khẩu

Trái ngược với tăng trưởng dương về xuất khẩu, hầu hết các thị trường lớn, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đi thị trường Trung Quốc và Nhật Bản lại có dấu hiệu giảm dần qua các tháng.
Làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: KHIẾU MINH
Làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: KHIẾU MINH

Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc ngay. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền.

Giảm xuất khẩu “tiểu ngạch”

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 sang Trung Quốc và Nhật Bản giảm dần, Thủ tướng vừa chỉ đạo các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và UBND các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Cao Bằng thực hiện ngay các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững.

Chỉ đạo trên được đưa ra, sau khi Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng về tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy tương ứng.

Cụ thể, một số giải pháp (Bộ Công thương kiến nghị với Thủ tướng) đáng chú ý gồm: triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng trong 6 tháng cuối năm tại thị trường Trung Quốc như CAEXPO, CIIE; đẩy nhanh thủ tục ký kết Nghị định thư với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh để có thể xuất khẩu ngay trong năm nay; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu “chính ngạch”, giảm thiểu và tiến tới ngừng xuất khẩu “tiểu ngạch”.

Đối với thị trường Nhật Bản, những giải pháp đáng chú ý được Bộ Công thương khuyến nghị là tăng cường giám sát hoạt động cấp chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch với nông sản, thủy sản xuất khẩu nhằm bảo đảm chất lượng, thương hiệu xuất khẩu; thúc đẩy các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt với các tập đoàn phân phối của Nhật Bản như AEON, Fast Retailling nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam qua các kênh phân phối, thương mại điện tử.

Đồng thời, tranh thủ cơ hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam; tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,7 tỷ USD, tăng gần 15%.

Cùng duy trì mức tăng trưởng dương về xuất khẩu đi hầu hết các thị trường lớn, lũy kế kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đi thị trường Trung Quốc và Nhật Bản lại có dấu hiệu giảm dần qua các tháng. Dấu hiệu này rất đáng chú ý, bên cạnh những điểm sáng trong xuất khẩu đi một số thị trường quan trọng khác như Mỹ, EU, ASEAN hay Hồng Công (Trung Quốc).

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức khoảng 17% trong tháng đầu năm, gần 13% sau 4 tháng và còn 5,3% sau 6 tháng. Tương tự, sang thị trường Nhật Bản, tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các mốc: 44,8% tháng đầu năm, 3,3% sau 4 tháng và 2,4% sau 6 tháng.

Nguyên nhân của diễn biến này, theo Bộ Công thương, bắt nguồn từ tình hình thế giới, nhu cầu cũng như chiến lược của một số tập đoàn đa quốc gia và một số nhân tố như quy định liên quan quy tắc xuất xứ.

Nỗ lực giữ đà xuất khẩu ảnh 1

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: SONG ANH

Khó khăn bủa vây

Điển hình, 6 tháng đầu năm ghi nhận, tín hiệu phục hồi của kinh tế thế giới nhưng tốc độ chậm và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, bất định. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá GDP toàn cầu năm nay chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo kinh tế thế giới tăng 2,6% - thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh cũng tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.

Một yếu tố khác, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đặt xuất khẩu Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

Cụ thể hơn, sau khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Trước đó, Trung Quốc chưa có hiệp định thương mại tự do nào với Nhật Bản.

Mặt khác, quy định hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và nguồn cung đầu vào giá rẻ ngay tại nội khối sẽ kích thích doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay cho sản xuất trong nước. Điều này, Bộ Công thương nhìn nhận, làm tăng mức phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và là rào cản lớn cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản trong nhóm công nghiệp chế tạo như máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, xơ, sợi dệt có giá trị và chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhưng mức tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản 6 tháng đầu năm.

Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nêu trên chủ yếu do khu vực FDI thực hiện và bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường, chiến lược đầu tư, kết quả kinh doanh của một số tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về “nội tại” thị trường Trung Quốc, bên cạnh các yếu tố chưa thuận lợi như sức cầu tiêu dùng phục hồi rất yếu, đồng nhân dân tệ suy yếu với USD hay quốc gia này đẩy mạnh hỗ trợ tiêu dùng nội địa, còn có thực tế không ít doanh nghiệp Việt Nam ỷ lại vào xuất khẩu “tiểu ngạch”, chưa quan tâm đầu tư sản xuất, xuất khẩu theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc, mặc dù bộ, ngành trong nước đã liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng nhiều năm qua.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tiếp tục hướng đến nền thương mại chất lượng cao thông qua hoàn thiện và nâng cao tiêu chuẩn, yêu cầu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đặc biệt là nhóm nông sản, thực phẩm.

Nông sản, một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Nhật Bản đang gặp khó bởi bối cảnh thắt chặt kinh tế, sức mua giảm, cũng chịu áp lực giảm cả về giá và lượng. Một số mặt hàng trái cây tươi Việt Nam chiếm thị phần lớn tại Nhật như thanh long đang phải cạnh tranh gay gắt với Đài Loan (Trung Quốc) do Nhật Bản cho phép thanh long Đài Loan xuất khẩu vào Nhật Bản.

Tương tự, một số trái cây Việt Nam được mở cửa tại thị trường này có mùa vụ ngắn, hay mất mùa do phụ thuộc lớn vào thời tiết, kỹ thuật bảo quản chưa phù hợp nên chất lượng hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản chưa bảo đảm (như vải, nhãn). Thậm chí, các vi phạm về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản tiếp tục làm giảm uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.