Xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý

Trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) phòng, chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng chủ yếu do nguồn cung bị gián đoạn, nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao, nên tại một số thời điểm chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ tại một số địa phương.

Lực lượng Quản lý thị trường Sóc Trăng phạt một cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: BCT
Lực lượng Quản lý thị trường Sóc Trăng phạt một cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: BCT

Với các địa phương phải thực hiện GCXH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện GCXH, cũng đã có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đơn lẻ lợi dụng tình trạng thiếu hàng cục bộ để tăng giá nhưng về cơ bản đã được ngăn chặn, các cơ quan chức năng, quản lý thị trường (QLTT) cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, kịp thời bảo đảm đời sống người dân trong tình trạng dịch bệnh.

Đặc biệt, trong thời gian qua, với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá (ĐHG), Bộ Tài chính (mà đại diện là Cục Quản lý giá) đã kịp thời tham mưu triển khai công tác quản lý, ĐHG trên quan điểm thận trọng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu chung để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt trong tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý, ĐHG thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trước những ý kiến cho rằng, lạm phát nửa đầu năm nay chủ yếu do lực cầu yếu, nhưng công tác QLTT còn hạn chế, vẫn có các mặt hàng như vật liệu xây dựng tăng cao, hay thực phẩm có mức chênh lệch từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng quá lớn, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mặt bằng giá tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm 2021 tăng cao vào đầu năm sau đó giảm trong hai tháng tiếp theo và tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, một số yếu tố chính gây áp lực lên mặt bằng giá là: các mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu trong nước tăng như: thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm Tết Nguyên đán sau đó lại trở lại mức giá bình thường sau Tết do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá là ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so cùng kỳ năm trước làm cho nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí du lịch có chỉ số giá giảm mạnh. Cụ thể, giá vé tàu hỏa sáu tháng đầu năm giảm 3,41% so cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 17,05%; giá du lịch trọn gói giảm 2,85%. Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,39% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04% do nguồn cung trong nước dồi dào.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các yếu tố tác động đến lạm phát nửa đầu năm nay có một phần do tổng cầu chưa hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để kiểm soát lạm phát là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo ĐHG, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, ĐHG đã được đề ra trong kịch bản ĐHG ngay từ đầu năm 2021.

Thực tế, trong sáu tháng đầu năm 2021, các mặt hàng do Nhà nước định giá tiếp tục được giữ ổn định, chưa xem xét tăng giá nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát ngay trong nửa đầu năm 2021; một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng, dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới. Đồng thời, là các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành trong việc triển khai tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như thép xây dựng, phân bón... và gần đây là việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Qua đó, đã giữ cho mặt bằng giá bảy tháng đầu năm ở mức hợp lý, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Trong nửa cuối năm 2021, tình hình cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo ĐHG. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng.