Rà soát, nắm bắt tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

Ngày 23/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2684/VPCP-TH gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính cho biết, ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Báo cáo số 1309/BC-VPCP, trong đó tóm tắt thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí về việc lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
0:00 / 0:00
0:00
Lượng nhập khẩu thép cán nóng tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Lượng nhập khẩu thép cán nóng tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Cụ thể, Công văn số 2684/VPCP-TH nêu rõ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng nhập khẩu HRC bằng 143% so lượng sản xuất trong nước. Ước tính quý 1/2024, lượng nhập khẩu HRC tăng gấp 1,5 lần so lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%.

Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao của ngành thép đã xây dựng trong hàng chục năm qua.

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cũng đã chính thức có văn bản yêu cầu điều tra chống bán phá giá, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ.