Triển vọng hồi phục của ngành dệt may

Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên. Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý III/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được đơn hàng trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được đơn hàng trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2023, ngành dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn chưa từng có. Điều này dẫn đến kết quả kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt chưa đến 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Ngoài đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp còn phải nhận những đơn hàng không phải là thế mạnh với đơn giá rất thấp, thậm chí nhiều đơn vị phải chịu lỗ để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động.

Thăng trầm đơn hàng

Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đã có nhiều cải thiện. Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý III/2024. Với kết quả này, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nếu tình hình không có những biến động lớn thì ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (tương đương với năm 2022 đạt mức cao nhất)”, ông Trương Văn Cẩm kỳ vọng.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu quý I/2024 của doanh nghiệp đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 28,27%. May 10 đã có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III/2024. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã chủ động tập trung vào công tác tìm kiếm thị trường cả trong nước và xuất khẩu nhằm đa dạng khách hàng và sản phẩm”, ông Thân Đức Việt cho biết.

Dù đơn hàng về các doanh nghiệp đã khá lên, tuy nhiên ông Thân Đức Việt cũng cho rằng, đơn giá vẫn chưa có sự phục hồi nhiều, do thế giới đang có nhiều biến động, tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao, khiến người tiêu dùng trên các thị trường lớn có xu thế thắt chặt chi tiêu.

Ngoài tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chất lượng để bảo đảm uy tín của thương hiệu, Tổng công ty May 10 cũng linh hoạt trong tổ chức sản xuất, đầu tư các thiết bị công nghệ mới tăng năng suất lao động nhằm giảm chi phí về nhân công cao…

Ngoài vấn đề đơn giá chưa phục hồi, ông Việt cũng cho rằng, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

“Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may...”, ông Việt nêu rõ.

Tìm cơ hội trong thách thức

Còn theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), hàng tồn kho ở các thị trường lớn, các hãng phân phối lớn, các tập đoàn, siêu thị đều suy giảm. Do đó, nhu cầu tái đặt hàng cho mùa tới đây của ngành dệt may đang có mức kỳ vọng cao hơn.

Để tìm cơ hội trong thách thức, các doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Trong đó, các giải pháp tối ưu được doanh nghiệp đưa ra là: Tập trung đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về các nguồn nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ mỗi tháng một lần để các đơn vị có thể định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, khó khăn nhất đối với ngành dệt may là sản xuất nguyên liệu, nên các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần có chính sách đặc thù để doanh nghiệp vượt qua năm 2024. Quan trọng nhất là chính sách tiếp cận vốn, làm sao để vẫn bảo đảm được nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, đủ để họ tiếp nhận được các đơn hàng mới trong giai đoạn phục hồi.

“Đây chính là cách để họ phục hồi trở lại, sản xuất với hiệu suất cao. Từ đó doanh nghiệp có điều kiện để quay trở lại thực hiện các trách nhiệm với ngân hàng đầy đủ hơn, nếu giảm thì họ không đủ năng lực để thực hiện nghĩa vụ ngắn và dài hạn”, ông Trường nhấn mạnh.

Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, trong bối cảnh đơn giá chưa được cải thiện, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp nên trao đổi, liên kết với nhau để đưa ra giá phù hợp hơn, tránh như năm ngoái mức giá “chạy đua” xuống đáy.

Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác do họ có chi phí sản xuất thấp hơn (15%) với nhân công rẻ và còn được hỗ trợ về thuế, phí bởi dệt may được coi là ngành kinh tế mũi nhọn ở quốc gia đó. Vì vậy, ông Cẩm kiến nghị, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành như ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá ở mức phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu.

Trong dài hạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may cần sớm khắc phục “nút thắt” thiếu nguyên phụ liệu. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tự chủ, từ đó tiếp cận được luồng chuyển dịch sản xuất tới Việt Nam và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị dệt may thế giới. “Bộ Công thương cần sớm có hướng dẫn thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để các địa phương quy hoạch và thu hút đầu tư”, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị.