Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán

Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp với mục tiêu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu thành công, TTCK Việt Nam sẽ thu hút được 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty chứng khoán đã có kế hoạch tăng vốn, đáp ứng yêu cầu việc nâng cấp thị trường. Ảnh: NAM ANH
Nhiều công ty chứng khoán đã có kế hoạch tăng vốn, đáp ứng yêu cầu việc nâng cấp thị trường. Ảnh: NAM ANH

Việt Nam đang được hai tổ chức quốc tế MSCI, FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường này (khoảng 30% tổng tài sản quản lý). Trên thực tế, con đường nâng hạng của TTCK Việt Nam đã được thúc đẩy từ lâu. Năm 2018, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai. Tuy nhiên đến kỳ đánh giá tháng 3/2024, tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Trong khi đó, tại kỳ đánh giá tháng 6/2023, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có thay đổi so với kỳ đánh giá một năm trước đó.

Khắc phục hạn chế

Theo các chuyên gia, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Ngược lại, nhóm tiêu chí định tính mới là rào cản chính, với vướng mắc lớn nhất liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.

Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do phải điều chỉnh nhiều quy định liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký. Do vậy, trước mắt, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra giải pháp trong đó các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution - NPS).

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam cho biết: Nguyên tắc cho phép dựa trên việc công ty chứng khoán đánh giá năng lực, xác định mức ký quỹ để bảo đảm có thể thanh toán đúng hạn. Nếu đến thời điểm đó, nhà đầu tư nước ngoài không đủ điều kiện nộp, nghĩa vụ thanh toán thuộc về khối tự doanh CTCK. Do đó, CTCK cần bảo đảm đủ năng lực để thanh toán thay, trong trường hợp xấu nhất xảy ra. Chúng tôi coi đây là mấu chốt để quản lý rủi ro khi triển khai cơ chế giao dịch mới này. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xem xét đặt hạn mức giao dịch cho thành viên thị trường để quản lý.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và kiểm soát tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng: Xét theo khía cạnh từ CTCK thành viên, cả giải pháp ngắn hạn hay dài hạn đều tạo áp lực về vốn. Bên cạnh đó, phải nâng cấp hệ thống khi trách nhiệm và rủi ro từ phía CTCK là rất lớn. Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về CTCK, do đó, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Tại Việt Nam, phần lớn các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này. Ngoài ra, CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.

Ngoài yêu cầu ký quỹ trước giao dịch thì giới hạn sở hữu nước ngoài cũng là một vấn đề đang được tập trung tháo gỡ. Nhiều chuyên gia cho rằng có thể xử lý vấn đề này thông qua Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Đây được coi là công cụ tài chính hiệu quả để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà không vi phạm các quy định về hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng, đồng thời ngăn chặn được tình trạng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty trong nước. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ định danh mà chưa có khung pháp lý về NVDR.

Đón dòng vốn mới

Nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi là yêu cầu luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Ngày 28/2/2024, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính, UBCKNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK.

TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Chiến lược và chính sách tài chính khẳng định, TTCK là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Hiện vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,1% GDP ước tính của năm 2023. Việc nâng hạng TTCK sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, từ tháng 9/2018, Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK. Việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam, bảo đảm tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam nếu nâng hạng TTCK sẽ thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030.

Bà Arabella Bennett, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù còn gặp thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được kết quả trong nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK Việt Nam của FTSE Russell.