Đầu tư tư nhân tạo động lực tăng trưởng

Đầu tư tư nhân chiếm 55 - 60% tổng đầu tư xã hội, khu vực này phục hồi và phát triển thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi và bứt phá. Tuy vậy, trong quý I/2024, con số này chỉ tăng 4,2% - bằng một nửa so với trung bình các năm trước, cho thấy khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn lưỡng lự trong việc đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Xe ô-tô tải Trường Hải đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Ảnh: BẮC SƠN
Xe ô-tô tải Trường Hải đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Ảnh: BẮC SƠN

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 tăng 3,7%). Trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.

Đơn hàng tăng, nhưng lợi nhuận giảm

Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý I: Mở lối cho kinh tế cả năm”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9%.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp gỗ đang gặp một số khó khăn, thách thức nên khả năng tối đa hóa lợi nhuận của ngành gỗ xuống thấp. Trên thực tế, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chế biến và cung ứng sản phẩm gỗ cho các thị trường lớn. Do đó, Mỹ thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Ngoài ra, quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng làm khó các doanh nghiệp gỗ, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì không đáp ứng được quy định. Đặc biệt, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn liệt kê sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm rủi ro cao và phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau, truy xuất nguồn gốc đến từng hộ nông dân trồng rừng. Nếu chậm hoàn thuế, coi như doanh nghiệp bị giảm 10% giá trị xuất khẩu, không còn vốn để tái đầu tư sản xuất, khiến doanh nghiệp vừa mất thời gian chờ đợi, vừa mệt mỏi.

Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2023, khó khăn nhất với ngành dệt may là giá xuất khẩu giảm 20 - 30%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 60%. Rất mừng, từ quý I, dù mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng đơn hàng khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng đến quý III. Tuy nhiên, ngành dệt may đang phải đối mặt với những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường như thị trường Liên minh châu Âu (EU) đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được.

Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây. Nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050. “Nếu doanh nghiệp không làm được điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon,… điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, ông Trương Văn Cẩm dẫn chứng.

Nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của đầu tư nhân thường ở mức 8 - 9%. Tuy vậy, trong quý I, con số này ở mức rất thấp chỉ tăng 4,2% cho thấy hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh do vướng mắc pháp lý, nghĩa vụ tài chính, chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm.

Thậm chí, những khó khăn này khiến số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm thời đóng cửa trong quý I lên tới khoảng 25%, doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 10%, trong khi lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ít hơn lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (thường là ngược lại trong giai đoạn trước đây). Điều này cho thấy thực tế doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề đã đến lúc hết sức, kiệt quệ, cộng với khả năng thích ứng, kích hoạt chưa tốt, đã phải rời khỏi thị trường. Đây cũng là điều cần tiếp tục theo dõi.

Đầu tư tư nhân tạo động lực tăng trưởng ảnh 1

Ngành dệt may đang đối mặt với những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Ảnh: NAM ANH

Chính sách tài khóa làm chủ lực

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian tới, chính sách tài khóa cần được “mở rộng, có trọng tâm” và giữ vai trò chủ lực trong hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất trong nước bởi vì giảm lệ phí trước bạ ô-tô có thể kích cầu rất tốt, dù thu ngân sách giảm nhưng ngược lại, bán được ô-tô lại thu về thuế giá trị gia tăng và các loại phí khác, mức đó còn cao hơn mức giảm.

Với chính sách tiền tệ là nhóm chính sách “bổ trợ”, cần điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội.

TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất cơ bản và mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh song nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất khá cao, chỉ những doanh nghiệp thật sự tốt mới được vay lãi suất thấp từ 5 - 6% vốn ngắn hạn, còn doanh nghiệp thông thường cũng phải vay với lãi suất 7 - 8,5% trong ngắn hạn, thậm chí 9 - 10% đối với vốn trung - dài hạn.

Đáng lưu ý, tỷ giá tăng khiến chi phí đẩy (nguyên liệu đầu vào) cũng sẽ tăng và tiền lương bắt đầu cải thiện cũng như hiệu ứng tâm lý vẫn còn (lạm phát kỳ vọng) … sẽ là những yếu tố làm tăng lãi suất. Các ngân hàng muốn gia tăng dòng tiền sẽ phải kích thích bằng cách tăng lãi suất huy động.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Vì vậy, ông Hòe đề nghị sử dụng 20.000 tỷ đồng từ gói lãi suất 40.000 tỷ đồng (gói hỗ trợ bù lãi suất 2%) không giải ngân được để thành lập Quỹ bảo lãnh cho các DNNVV. Quỹ này ở tầm quốc gia và phải đổi mới tư duy, tức là thay vì cho vay bằng tài sản bảo đảm thì căn cứ vào chấm điểm dự án để cho DNNVV vay bằng tín chấp.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm quản trị rủi ro (rủi ro an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng; rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...); chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí... Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; quan tâm hơn đến năng lực thích ứng, năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi xanh, nhất là khi các thị trường khó tính như Mỹ, EU… dần đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn xanh nên doanh nghiệp phải chuẩn bị từ bây giờ; thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...