Tìm giải pháp ổn định thị trường vàng

Lượng tiền lớn trong dân đang có xu hướng tiếp tục đổ vào vàng. Nền kinh tế đang có nguy cơ phát triển “lệch chuẩn” khi nguồn tiền còn nhiều nhưng lại thiếu tiền cho sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân vẫn có tâm lý găm giữ vàng. Ảnh: BẮC HẢI
Nhiều người dân vẫn có tâm lý găm giữ vàng. Ảnh: BẮC HẢI

Trong bối cảnh giá vàng trong nước vẫn đang không ngừng “nhảy múa” những ngày vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết, Chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ổn định thị trường vàng, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Lối đi nào để thị trường vàng bớt “sóng”

Người già có, người trẻ có, vàng đang thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi. Giao dịch mua vào không hề giảm, cho dù giá vàng tăng liên tục và cao hơn giá vàng thế giới.

Nơi “nóng” nhất những ngày qua ở Hà Nội có lẽ là phố Trần Nhân Tông, nơi tập trung nhiều cửa hàng vàng uy tín. Dù biết mua vàng vào thời điểm này có thể lỗ ngay do chênh lệch giá, nhưng anh Vũ Văn Thắng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng như rất nhiều người dân vẫn xếp hàng mua vào. Anh cho biết: “Hiện tại mua vào nguy cơ thua lỗ rất cao khi khoảng chênh lệch giữa mua và bán, giữa giá vàng Việt Nam và thế giới là rất lớn nhưng tôi vẫn muốn đầu tư vào vàng vì mục tiêu dài hạn”.

Còn theo chị Đỗ Thanh Thủy, một khách hàng khác cũng kiên nhẫn xếp hàng mua vàng trong những ngày qua, mức lãi suất từ các tổ chức tín dụng không còn hấp dẫn, chị lựa chọn mua vàng để tích trữ. “Gửi tiền ngân hàng giờ thấy rủi ro quá mà lãi suất thấp không đủ bảo đảm giữ giá trị của đồng tiền, nên tôi mua vàng để giữ lâu dài. Lên xuống cứ kệ thôi”.

Ngày 11/4, giá vàng có xu hướng giảm nhiệt sau một thời gian tăng “không nghỉ”, đặc biệt với vàng nhẫn tròn trơn 24K tại Công ty Bảo Tín Minh Châu có lúc giảm tới 600 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Nhưng chỉ đến ngày hôm sau, giá vàng lại bật tăng “xô” đổ mọi kỷ lục. Cập nhật tới 16 giờ chiều 12/4, giá vàng SJC bán ra ở mức 84,5 triệu đồng một lượng, giá vàng nhẫn bán ra ở mức 77 - 77,68 triệu đồng một lượng tùy theo thương hiệu

Trong khi đó, nếu quy đổi theo tỷ giá bán của Vietcombank, vàng thế giới mới tương đương gần 72,6 triệu đồng một lượng chưa thuế, phí, thấp hơn trong nước khoảng 12,5 triệu đồng. Mức chênh lệch của vàng nhẫn cũng hơn 5 triệu đồng.

Theo đại diện một đơn vị kinh doanh vàng, mặc dù định hướng quản lý thị trường vàng đã rõ nét nhưng thực tế lượng cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi nguồn cung vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu thì theo quy luật cung cầu, cầu tăng cao thì giá vàng chưa thể điều tiết cho đến khi nào nguồn cung trên thị trường tăng lên.

Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so tháng trước; tăng 9,41% so tháng 12/2023 và tăng 22,71% so cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%. Tính đến ngày 25/3/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce, tăng 5,21% so tháng 2/2024. Ngày 28/3/2024, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên cùng chiều với giá vàng thế giới. Lý giải cơn biến động của giá vàng, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, ở trong nước, lãi suất tiết kiệm đang duy trì mức thấp nhất so nhiều năm trở lại đây; thị trường bất động sản không ổn định, thị trường trái phiếu có nhiều hoài nghi của người dân nên chưa tạo sự an tâm đầu tư, khiến vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

“Giá vàng tăng liên tục và thường xuyên thiết lập đỉnh mới có thể gây hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam vì khi đó, nhà đầu tư có xu hướng chuyển phần vốn của mình vào vàng để vừa đa dạng danh mục đầu tư, vừa hướng đến mục tiêu sinh lợi. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế mặc dù thừa tiền nhưng thật ra lại thiếu tiền để phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, một lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất, kinh doanh sẽ khiến cho việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế trở nên khó khăn hơn”, bà Nguyễn Thu Oanh phân tích.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần mở cửa thị trường và ứng xử với vàng như một loại hàng hóa. Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, ngoài tăng nguồn cung, việc cho phép giao dịch vàng tài khoản cũng có thể là một giải pháp cần tính đến. Khi ấy, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân vẫn được thực hiện, vẫn được bảo đảm nhưng người ta không nắm giữ vàng vật chất mà Nhà nước quản lý số vàng đó. Lượng vàng vật chất này không nằm trong két của người dân, không được huy động nên đây vẫn là một nguồn lực tài chính phát triển kinh tế mà chúng ta rất cần trong thời gian tới.

GS, TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định: “Đây là thời điểm chúng ta cần nhiều giải pháp căn cơ, mạnh dạn thay đổi. Chúng ta nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất, cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không. Nhà nước quản lý là đúng nhưng không có nghĩa Nhà nước phải nắm trực tiếp sản phẩm đó. Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó, chúng ta trả lại cho vàng là sản phẩm hàng hóa thông thường”.

Tăng cung để “giải nhiệt”

Tại cuộc họp mới nhất ngày 11/4 về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá… Đặc biệt, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cương quyết yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tăng cung vàng miếng và bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu vàng mỹ nghệ, trang sức là hai trong số nhiều biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ khẩn trương triển khai để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử.

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã thành lập đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.