Xu hướng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp

Ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, với hơn 1.000.000 cửa hàng bán lẻ. Trong số những cửa hàng này, chỉ có một số chuỗi ứng dụng công nghệ, còn lại hơn 90% vẫn sử dụng sổ sách ghi chép hoặc các phương pháp thủ công để quản lý hàng hóa và hoạt động bán hàng. Đây chính là một mảnh đất màu mỡ cho các giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bán lẻ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.Ảnh: Lê Minh
Thị trường bán lẻ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.Ảnh: Lê Minh

Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP) là quy trình được xây dựng và tối ưu theo đặc điểm, đặc thù của từng doanh nghiệp trên ứng dụng phần mềm cụ thể để giúp toàn bộ các thành phần cấu thành doanh nghiệp sử dụng phần mềm một cách hiệu quả. Các giải pháp ERP đã phát triển, hỗ trợ hầu hết các chức năng của doanh nghiệp như kinh doanh, từ các quy trình như kế toán, nhân sự, mua sắm và sản xuất nội bộ, đến các chức năng của văn phòng như tự động hóa lực lượng bán hàng, tự động hóa tiếp thị và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp dựa vào ERP không chỉ cắt giảm chi phí bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ thông thường, loại bỏ các quy trình thừa mà còn cung cấp cho nhân viên quyền truy cập vào thông tin quan trọng để đưa ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn.

Hiện tại, thị trường các ứng dụng ERP Việt Nam cho ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 17,4% trong giai đoạn từ 2018-2025. Sự tăng trưởng của thị trường là do tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại điện tử dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với việc quản lý các hoạt động kinh doanh hằng ngày trong các công ty. Với sự thâm nhập ngày càng tăng của các công ty công nghệ thông tin toàn cầu, sự phát triển của công nghệ viễn thông như 5G, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, hiện, thị trường ERP đang đi theo một số xu hướng sau đây.

Thứ nhất là ERP sử dụng điện toán đám mây. Trước đây, do lo ngại về vấn đề bảo mật và rò rỉ thông tin nhiều doanh nghiệp sử dụng các ERP nội bộ và không muốn đưa các ứng dụng kinh doanh cốt lõi lên “đám mây”. Nhưng hiện tại, họ đang áp dụng ERP đám mây để tận dụng lợi thế của việc triển khai nhanh, đơn giản với chi phí thấp, với phần cứng - tài nguyên đáp ứng đúng nhu cầu và có thể nâng cấp hoặc giảm bớt ở bất cứ thời điểm nào, dễ dàng bổ sung thêm người dùng và các chức năng mới trên phần mềm tương ứng với sự phát triển của doanh nghiệp. ERP đám mây đã chứng tỏ sự ưu việt của nó trong đại dịch Covid-19, khi cho phép các nhân viên hoàn thành công việc ở bất cứ nơi nào có internet.

Thứ hai là ERP hai cấp độ. Việc triển khai một hệ thống ERP duy nhất cho những doanh nghiệp lớn, bao gồm cả trụ sở chính và các công ty con, thường tốn kém và rất phức tạp. Vì thế, ERP hai cấp là một chiến lược cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cho phép họ tận dụng đầu tư vào ERP hiện có ở cấp 1 (cấp cơ sở), trong khi đó các công ty con có thể sử dụng các giải pháp ERP khác nhau linh hoạt hơn (thường dựa trên đám mây). Cấp cơ sở sử dụng hệ thống ERP chính cho các quy trình cốt lõi như tài chính, quản trị... Trong khi, các đơn vị nhỏ hơn trong doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các giải pháp đáp ứng nhu cầu chuyên biệt.

Thứ ba là chuyển đổi số toàn bộ các khâu trong doanh nghiệp đi kèm với việc tích hợp các công nghệ khác vào ERP. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đưa công nghệ số vào tất cả các chức năng kinh doanh để nâng cao hiệu suất hoạt động hằng ngày. Đồng thời, tích hợp các ứng dụng của họ với các công nghệ mới khác, bao gồm IoT, để cải thiện các quy trình cốt lõi. Thí dụ, nhà bán lẻ sử dụng hệ thống quản lý kho thu thập dữ liệu từ máy quét di động và băng tải thông minh để theo dõi sự di chuyển của hàng hóa trong kho. Một số công ty tích hợp ERP với thương mại điện tử để cải thiện quy trình đặt hàng trực tuyến, tự động kích hoạt thực hiện đơn hàng, cập nhật mức tồn kho và ghi lại thanh toán.

Thứ tư là nhúng trí tuệ nhân tạo và khả năng máy học (AI-ML) vào hệ thống ERP để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa ngày càng tăng và nâng cao hiệu suất của các quy trình kinh doanh. Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp tự động hóa, cải tiến được nhiều quy trình, đồng thời thu thập được nhiều dữ liệu hoạt động và thông tin chi tiết, thói quen của khách hàng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với việc phân tích một cách thủ công. Hệ thống AI-ML cũng có thể sử dụng để phân tích những gì đã xảy ra trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra dự đoán để giải quyết những vấn đề trong tương lai.

Cuối cùng là ERP hỗ trợ thiết bị di động. Ứng dụng ERP dành cho thiết bị di động được thiết kế với giao diện thân thiện với người dùng, có thể giúp người dùng hoàn thành công việc khi họ không sử dụng máy tính. Nhân viên có thể hoàn thành các nhiệm vụ như báo cáo chi phí, ghi nhật ký cuộc gọi và theo dõi thời gian, đồng thời họ có thể xem trạng thái của quy trình công việc quan trọng hoặc phê duyệt công việc từ điện thoại. ERP trên thiết bị di động cung cấp dữ liệu và thông tin chi tiết theo thời gian thật, đồng thời cung cấp các lợi ích tổng thể bao gồm truy cập từ xa luôn bật, cải thiện năng suất, thu thập dữ liệu nhanh hơn và chính xác hơn cũng như tăng tính linh hoạt.

Với nhiều ứng dụng phong phú, ERP có thể được sử dụng để vận hành trong nhiều lĩnh vực của một doanh nghiệp như kế toán, quản trị doanh nghiệp, luật doanh nghiệp, kinh tế, tài chính, quản trị khách hàng, quản trị lao động... Nhanh chóng bắt kịp và áp dụng những xu hướng trên sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng bứt phá, cạnh tranh tốt trên thị trường bán lẻ đang có tốc độ tăng trưởng nổi bật hiện nay.