Thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục hồi bền vững

Trái với mức giảm 2,6% của cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I/2024 đã có sự phục hồi trở lại với mức tăng 5,7%, cho thấy xu hướng tích cực hơn của sản xuất công nghiệp. Kỳ vọng khi khu vực này tiếp tục khởi sắc sẽ dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong những quý sau của năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: BẮC SƠN
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: BẮC SƠN

Doanh nghiệp lạc quan

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực về “sức khỏe” của ngành sản xuất. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Một số địa phương quy mô sản xuất công nghiệp lớn có chỉ số IIP tăng cao như: Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Quảng Ninh tăng 14%: Hải Dương tăng 13,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Vĩnh Phúc tăng 6,7%; Thái Nguyên tăng 6,2%. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực.

Nhìn nhận kết quả này, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I các năm 2020 - 2024 đều tăng (lần lượt là 5,6%; 5,7%; 6,8%; 5,7%), riêng quý I/2023 giảm 2,6% do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát ở các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương nên sản xuất công nghiệp diễn biến theo xu hướng tích cực. “Trong ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm”, bà Nga nêu rõ.

Với kết quả tích cực này, kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I, chỉ có 18% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II khó khăn hơn quý I/2024.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục hồi bền vững ảnh 1

Tập trung đầu tư, phát triển các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Mức tăng trưởng tổng thể chưa mạnh

Tuy vậy, bà Nga cũng cho rằng, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I/2023 giảm. Tốc độ tăng trưởng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19) và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch Covid-19.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I/2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm), cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ chuyển biến còn chậm và chưa thật sự khởi sắc.

Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng ở mức thấp hoặc giảm: chỉ số IIP quý I của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.

Còn theo báo cáo mới nhất của S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2024 giảm về dưới ngưỡng 50 điểm từ mức 50,4 điểm hồi tháng 2. Với mức này, PMI của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của ASEAN là 51,5 điểm, thấp hơn ba quốc gia Singapore, Indonesia và Philippines nhưng cao hơn Thailand, Malaysia và Myanmar.

Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence Andrew Harker cho rằng, tăng trưởng của ngành sản xuất Việt Nam đã chậm lại trong tháng 3 khi nhu cầu giảm đã kìm hãm đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng. Tình trạng nhu cầu yếu cũng được phản ánh trong các chỉ số giá cả của khảo sát PMI khi tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá bán hàng đã giảm.

“Mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Tương tự như vậy, mặc dù giá cả đầu ra đã tăng sau khi giảm trong tháng 1, mức độ tăng giá chỉ là nhẹ khi một số công ty vẫn ngần ngại trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh”, ông Andrew Harker nhận định.

Thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp

Mặc dù có sự yếu kém trong tháng 3, ông Andrew Harker cũng cho rằng, các nhà sản xuất đã thể hiện sự tin tưởng rằng, sản lượng sẽ tăng trong thời gian một năm tới. Mức độ lạc quan thể hiện mạnh nhất trong thời gian một năm rưỡi. Các doanh nghiệp dự kiến tung ra các sản phẩm mới để thúc đẩy sản lượng, đồng thời cũng hy vọng nhu cầu thị trường được cải thiện sẽ giúp họ tăng số lượng đơn đặt hàng mới.

“Các nhà sản xuất sẽ cần có số lượng đơn đặt hàng mới duy trì và tăng mạnh hơn trước khi họ có đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và bắt đầu tăng thêm giá bán hàng tương ứng với gánh nặng chi phí”, ông Andrew Harker bày tỏ tin tưởng.

Về phía Bộ Công thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, Bộ sẽ đẩy nhanh hơn việc xây dựng hai trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía bắc và phía nam. Đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp, nhất là về năng lực tự chủ trong sản xuất.

“Các trung tâm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hai trung tâm này cũng đóng vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, hình thành hệ sinh thái về công nghệ và sản xuất công nghiệp”, ông Phạm Tuấn Anh thông tin.

Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô-tô, dệt may, da giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...