Nhiều địa phương đạt kết quả đầu tư công khả quan

Trong quý I/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước hơn 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch; đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).
0:00 / 0:00
0:00
Hà Tĩnh phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC trong toàn tỉnh đạt 100%. Ảnh: BÁO HÀ TĨNH
Hà Tĩnh phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC trong toàn tỉnh đạt 100%. Ảnh: BÁO HÀ TĨNH

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Thống kê, trong những tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo, phân giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công 2024 được phê duyệt đến từng dự án, công trình nhằm bảo đảm các dự án đủ điều kiện sẽ thực hiện ngay. Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời tập trung triển khai các dự án/công trình được giao kế hoạch vốn năm 2024; đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều tỉnh, thành phố trong ba tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan.

Cụ thể, có 4/44 bộ, cơ quan T.Ư và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung cả nước. Một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Xây dựng (41,44%); Đài Truyền hình Việt Nam (hơn 40%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (29,6%); Tiền Giang (30,51%); Phú Thọ (30,08%); Hậu Giang (29,4%); Sơn La (29,1%)…

Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, trong quý I/2024, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Trong khi đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung tháng 2 của cả nước với tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là hơn 7.332 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (hơn 88.032 tỷ đồng).

Có 20/44 bộ, cơ quan T.Ư và 35/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.654,7 tỷ đồng, chiếm 3,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn ngân sách T.Ư là 9.599,3 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 16.055,4 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án, trong đó có nhiều vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài. Ngoài ra, những tháng đầu năm, chủ đầu tư các dự án khởi công mới đang tập trung triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế chi tiết... Vì vậy, các dự án hầu hết chưa có nhiều khối lượng công việc hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán giải ngân. Hơn nữa, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, bởi tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 25.654,7 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, bằng 3,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện...

Dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bị điều chuyển vốn

Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Các địa phương cũng cần khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.

Đầu tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 29 về hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2022.

Công điện nêu rõ, đến nay vẫn còn 6 bộ, cơ quan T.Ư và 12 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và giao vốn kế hoạch năm 2024 để thực hiện nhiệm vụ, dự án, gồm: Văn phòng T.Ư Đảng, các bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; các địa phương: Quảng Trị, Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vĩnh Long, Lâm Đồng. Để bảo đảm kịp thời phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan T.Ư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ.

Đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm điều kiện bố trí kế hoạch vốn hằng năm theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/4 để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

“Sau thời hạn này, trường hợp các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh cho các bộ, cơ quan, địa phương, các dự án có đủ điều kiện theo quy định”, Công điện nêu rõ.