Mắt xích sản xuất mới của châu Á

Sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh này, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu với vị thế là mắt xích sản xuất mới của châu Á.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong thời điểm hiện nay. Ảnh: HẢI BẮC
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong thời điểm hiện nay. Ảnh: HẢI BẮC

Cuối tháng 3/2024, hơn 300 doanh nghiệp Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 để xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn và Việt Nam là một điểm đến mới.

Nhiều lý do để chọn Việt Nam

Ông Châu Hoành, đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam cho biết, kể từ khi có mặt ở Việt Nam vào năm 2017, đến nay công ty này đã tư vấn thành công cho hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất tại các khu công nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất. Dự báo đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, máy móc, khách sạn nhà hàng và chăm sóc sức khỏe.

Các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ sự ổn định về chính trị và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Đó cũng chính là lý do để Công ty TNHH Solex Hight-Tech Industries Việt Nam quyết định chọn tỉnh Quảng Ninh để đầu tư nhà máy sản xuất sau khi khảo sát tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ông Liu Yang Wang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Solex Hight-Tech Industries Việt Nam chia sẻ, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp khác thuộc tỉnh Phúc Kiến muốn chuyển sang Việt Nam để đầu tư trong thời gian tới như hướng đi mà công ty của ông đã chọn.

Đang thực hiện kế hoạch đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thiết bị hiển thị Tomko mong muốn Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư để ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang hình thành ở Việt Nam. Bởi theo vị doanh nhân này, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện chưa thật sự hoàn thiện, lại dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên giá thành đội lên rất cao so với sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản công nghiệp và cho thuê A+, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) nhận định, có nhiều lý do để các nhà sản xuất công nghiệp trên thế giới coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong thời điểm hiện nay. Đó là nhờ vị trí địa chiến lược cùng với triển vọng là “con hổ” mới của châu Á với GDP liên tục tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia toàn cầu và khu vực. Yếu tố quan trọng khác là môi trường chính trị của Việt Nam rất ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động trẻ, năng động lên đến khoảng 60 triệu lao động và tăng trưởng 1 triệu lao động hằng năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến vì cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa cùng với việc quy hoạch nhiều khu công nghiệp, kinh tế để dễ dàng kết nối sản xuất, lưu thông. Ở trong nước, thị trường nội địa có quy mô lớn, đạt hơn 100 triệu dân với dịch vụ thương mại điện tử phát triển mạnh trong khi dư địa khai thác thị trường nước ngoài rất rộng mở khi Việt Nam đã ký kết hơn 18 hiệp định thương mại tự do thương mại thế hệ mới cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với dòng vốn FDI toàn cầu.

Mắt xích sản xuất mới của châu Á ảnh 1

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Dệt Nhuộm Jasan Việt Nam ở Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: ĐĂNG ANH

Hướng đến dự án công nghệ cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong thời gian gần đây với các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao chiếm ưu thế. Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai đầu tư, hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Các lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư gồm những ngành có thế mạnh như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ...

Về phía Trung Quốc, các nhà đầu tư mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong cả lĩnh vực mới cũng như lĩnh vực truyền thống và không chỉ dừng ở hoạt động đầu tư mà còn chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên… Hiện nay, một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam, gồm dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ, điện tử... Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đã cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple và tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới ở Việt Nam. Trong tương lai, hai bên sẽ tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như phát triển xanh, năng lượng mới, đồng thời có thể tăng cường đầu tư và kết nối phát triển xanh, kinh tế số và hợp tác tốt hơn trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là không thể phủ nhận và Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nằm trong chuỗi đánh giá môi trường kinh doanh cũng như năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao và chọn Việt Nam để phát triển chuỗi cung ứng. Trong xu thế đó, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo để nắm bắt được cơ hội này. Bên cạnh những chính sách thu hút FDI công nghệ cao, Chính phủ cần có chính sách về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng năm 2023, Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2022. Về thương mại, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 171,84 tỷ USD năm 2023. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.