Xem xét tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong sáu tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng). Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan chính sách tài chính này.
0:00 / 0:00
0:00
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất giá trị gia tăng 10% từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Qua ba tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9/2023), chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng trong sáu tháng đầu năm 2024. Việc này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lạm phát leo thang, xung đột quân sự xảy ra nhiều nơi trên thế giới,… thời gian qua tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tính chung chín tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 13,8%. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có đến 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo phức tạp, khó lường, trong đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp. Không nằm ngoài tác động đó, nền kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động thương mại quốc tế sụt giảm. Trong bối cảnh ấy, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục chính sách này, thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2 % trong sáu tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).

Ðòn bẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước

Sức khỏe của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hay nói cách khác, doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới khỏe. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc Nhà nước tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng được nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, được đánh giá là cần thiết. Việc giảm loại thuế này sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trong thời gian qua.

Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, trong đó GDP quý II và quý III/2023 cao hơn quý I/2023 (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Từ tháng 7/2023, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6% và tháng 9 là 7,5% (chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 1/2023). Tính chung chín tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn được kiểm soát.

Theo các chuyên gia, khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính nhằm thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.