Vượt nắng, gió bảo vệ biên cương

Tôi đã nhiều lần lên công tác tại các xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk, đều cảm nhận được những điều mới mẻ, nhất là sự thay đổi trong đời sống sinh hoạt của người dân cũng như bộ mặt các thôn, xã vùng biên ngày càng khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và nhân dân vệ sinh cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.
Cán bộ và nhân dân vệ sinh cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.

“Tặng” dân nhiều mô hình phát triển kinh tế hay

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) trải dài trên địa bàn 38 thôn của bốn xã thuộc hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Trên vùng đất chiến lược này có dân số 6.720 hộ, với 23.419 khẩu, gồm 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 39,3%.

Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, cơ sở hạ tầng thấp kém…, đến nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã biên giới chiếm đến 55,7%. Vì vậy, làm gì để giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

Đang cao điểm mùa khô Tây Nguyên, nhưng trong sự khắc nghiệt đó ta lại được chứng kiến nhiều mô hình Bộ đội Biên phòng giúp dân phát triển kinh tế. Trong hàng trăm mô hình giúp dân ở khu vực biên giới Đắk Lắk thì mô hình hỗ trợ bò giống của Thiếu tá Từ Văn Sương, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea H’leo, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp được đánh giá là hiệu quả nhất. Thiếu tá Từ Văn Sương cho biết, sau nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, gắn bó với người dân xã Ia Lốp, biết được gia đình ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Dự, từ tỉnh Bến Tre lên đây lập nghiệp gần 20 năm nhưng thiếu vốn sản xuất, vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tìm hiểu kỹ, đầu năm 2021, Thiếu tá Sương đã bỏ tiền ra mua 9 con bò giống, trị giá gần 200 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình ông Triều chăn nuôi. Đến tháng 6/2022, Thiếu tá Sương tiếp tục mua hỗ trợ thêm 6 con bò giống. “Sau hai năm, đàn bò đã đẻ được sáu con, gia đình tôi còn bán được 20 triệu đồng tiền phân bò, giúp phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với vùng đất này”, ông Triều cười hiền.

Còn Thiếu tá Từ Văn Sương chia sẻ: “Dù cuộc sống của gia đình tôi không khá giả gì nhưng với tình cảm và trách nhiệm của người lính biên phòng, tôi đã động viên vợ con sử dụng số tiền dành dụm được mua bò hỗ trợ cho vợ chồng ông Triều, bà Tiên và một hộ khác trong xã chăn nuôi. Khi các gia đình thoát khỏi khó khăn, tôi tiếp tục hỗ trợ cho các gia đình khác”.

Hoàn cảnh chị Hà Thị Hiền, sinh năm 1982 ở thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp lại khác. Chị Hiền quê ở tỉnh Thanh Hóa, do mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác nên từ nhỏ phải đi ở cho người bà con, không được đi học. Vào xã Ia Lốp lập nghiệp, ban đầu chị cũng rất khó khăn, vất vả vì mù chữ. Đến năm 2017, khi được tham gia lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ea H’Leo tổ chức, chị đã biết tính toán làm ăn. Số trâu và heo của gia đình chị không ngừng tăng lên; có thời điểm chị nuôi 18 con trâu và gần 10 con heo. Ngoài ra, chị còn trồng thêm 2ha mì. Mấy năm gần đây nhờ sản xuất, chăn nuôi thuận lợi nên vợ chồng chị đã tích cóp xây dựng được căn nhà to nhất thôn.

Những năm qua, đã có hàng chục người dân mù chữ, chủ yếu là đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc vào sinh sống ở khu vực biên giới Đắk Lắk. Sau khi được tham gia lớp xóa mù chữ do các Đồn Biên phòng tổ chức, đồng bào biết đọc, biết viết, biết tính toán làm ăn nên đã vươn lên thoát nghèo. Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức và triển khai nhân rộng nhiều mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn các xã biên giới như: Mô hình chăn nuôi nhím, bò, vịt trời, kỳ nhông, thỏ lai cao sản, bò sinh sản, heo lai thương phẩm F2, gà thả vườn, cá nước ngọt; mô hình trồng các loại cây như: Trồng gừng và ớt trong bao, xoài lai trái vụ, đu đủ Thailand, trồng bí cao sản, cây khoai sọ, thanh long ruột đỏ… với trị giá hàng tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây lúa nước từ sản xuất 1 vụ thành 2 vụ trên cánh đồng 30ha tại Buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn giúp hơn 145 hộ, 456 khẩu đồng bào Ê Đê ở đây từ đói ăn triền miên, phải nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước từng bước tự túc được lương thực tại chỗ, ổn định và vươn lên trong cuộc sống…

Vượt nắng, gió bảo vệ biên cương ảnh 1

Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã biên giới Krông Na, phối hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk tuần tra biên giới.

Chung sức tuần tra giữ vững chủ quyền

Lên biên giới lần này, tôi may mắn gặp đoàn công tác của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn phối hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới, bảo vệ cột mốc trên tuyến biên giới do đồn quản lý.

Dưới cái nắng như nảy lửa, từ lãnh đạo xã đến các già làng và đoàn viên, thanh niên xã Krông Na đều hào hứng cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng băng rừng, vượt suối tuần tra và quét dọn, lau chùi cột mốc. Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na Lê Tiến Dũng cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân. Đến đầu năm 2023, toàn xã đã có 12 tổ chức, 206 gia đình, 290 cá nhân tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Hằng tháng, hằng quý, giữa xã Krông Na và Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk đều phối hợp tổ chức tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk, đã có 23 tập thể, 421 gia đình, hơn 3.290 cá nhân tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và 14 tập thể, 350 hộ, hơn 1.350 cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hằng tháng, hằng quý, cấp ủy, chính quyền các xã biên giới đều tổ chức lực lượng phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia.

Còn già làng Y Mốk Hra ở buôn Đrang Phốk, xã Krông Na năm nay đã 65 tuổi, nhưng vẫn băng rừng, lội suối tuần tra dưới thời tiết nắng nóng gay gắt. Già làng Y Mốk Hra tâm sự: Biết tin Đảng ủy, UBND xã phối hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk tuần tra đường biên, già liền đăng ký tham gia, bởi mỗi lần lên biên giới, được tận tay sờ vào cột mốc chủ quyền quốc gia là vinh dự và thiêng liêng lắm! Bao đời nay, người Ê Đê ở buôn Đrang Phốk đã gắn bó với vùng biên giới và Bộ đội Biên phòng rồi.

Em H’Diêu Buôn Yăh, một đoàn viên ở buôn Ea Ma, xã Krông Na sau khi đi tuần tra và quét dọn vệ sinh chung quanh cột mốc số 44 chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được tham gia cùng đoàn công tác của xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng. Lúc mới đăng ký, em hồi hộp, lo lắng lắm nhưng sau khi tuần tra, đặc biệt là đến với cột mốc, em cảm thấy thiêng liêng và vinh dự lắm! Vì vậy, kể từ nay về sau, khi được địa phương huy động tham gia tuần tra, em sẽ tham gia hết mình. Em cũng sẽ tuyên truyền, vận động bà con trong buôn luôn giữ gìn an ninh trật tự và lao động sản xuất để xây dựng khu vực biên giới giàu đẹp.

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk cho biết, dù đời sống còn khó khăn nhưng trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc sinh sống trên khu vực biên giới của xã luôn phối hợp tốt với lực lượng Bộ đội Biên phòng để tuần tra biên giới, bảo vệ hệ thống cột mốc. Đối với cán bộ, chiến sĩ của đồn, ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ 12,2km đường biên giới được giao, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo sức khỏe, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai… Qua đó, nghĩa tình quân dân trên khu vực biên giới ngày càng bền chặt.