BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Trả cây cho rừng

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn. Đó là cách làm của đồng bào Vân Kiều ở thôn Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Lượm hạt, ươm mầm rồi mang những cây bản địa này đi trồng chỉ với mục đích trả cây lại cho rừng, bù đắp lại những thiếu hụt và kể cả tổn thương mà loài người tác động đến thiên nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển cây bản địa phục vụ việc trồng rừng tự nhiên.
Chuyển cây bản địa phục vụ việc trồng rừng tự nhiên.

Sống giữa rừng tiết kiệm từng ngọn cây

Từ tờ mờ sáng, chúng tôi theo chân những thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng đi trồng rừng. Lội mấy con suối nhỏ, qua mấy ngọn đồi là đến khu vực đất đai màu mỡ, cây thưa thớt. Anh Hồ Văn Giỏi, Trưởng ban quản lý cho hay, chọn chỗ đây để trồng tiếp, mấy chỗ gần thôn bản đã trồng từ hồi tháng hai và tháng ba. Anh Giỏi dặn mọi người tìm chỗ trống để trồng cây, tránh làm tổn thương hay gây hại đến cây khác: “Cây cũng cần được sống như con người, nên tránh làm hư hại, đồng bào Vân Kiều từ xưa đến nay đều giữ gìn từng cái cây”.

Bảo vệ rừng là bảo vệ đời sống cho thế hệ mai sau. Tuy không khai thác rừng dù là khai thác thiết yếu nhưng đồng bào Vân Kiều vẫn giữ rừng, trồng rừng, đặc biệt là trồng cây bản địa để trả lại cho rừng những cái cây mà trước đây họ đã từng lấy đi. Được biết, từ lâu rồi, người Vân Kiều vẫn trồng rừng bằng cây bản địa. Bên dưới cây mẹ là cây con mọc chi chít, đồng bào thường nhổ rồi trồng thưa ra, cây sẽ dễ phát triển hơn. Bà con thực hiện trên đường đi làm rẫy, lúc nghỉ ngơi ở tán cây hoặc khi vào rừng kiếm kế sinh nhai. Việc làm tưởng như vô thức nhưng đầy ý nghĩa.

Chúng tôi nhớ mãi câu nói của cụ Hồ Xuân Lương, người giữ thác Tà Puồng. Cụ Lương được sinh ra, sống và phiêu bạt. Để rồi những năm tháng giữ rừng, giữ thác vẫn vẹn nguyên và bồi đắp mục tiêu của đời cụ là sống tiết kiệm từng cái cây, ngọn cỏ. Cụ Lương chia sẻ, nay có chính sách “khóa cửa rừng” đồng bào không còn lấy gỗ nữa, dù là gỗ trai làm cột nhà. Thay vào đó bà con đúc cột bê-tông trụ tròn, cách làm nào bảo đảm đời sống và có lợi cho mình và con cháu mai sau thì làm. Bứt một ngọn cây, cân nhắc để làm gì, chặt một cái cây cũng thế, cụ Lương nói: Hàng trăm đời nay, chúng tôi vào rừng lấy măng, hái rau, bắt cá, lấy mật ong… lấy chỉ là cách xin rừng có cái ăn để sống chứ không tham lam, không vì mục đích mua bán.

Trả cây cho rừng ảnh 1

Người dân trồng cây bản địa trên địa bàn thôn.

Trồng cây trả rừng

79 hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Trăng - Tà Puồng nối tiếp việc làm của ông cha, hơn 300 nhân khẩu có ý thức thực hiện việc trồng cây bản địa vào rừng tự nhiên. Đi tiên phong trong hoạt động này là 22 thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng, đứng đầu anh Hồ Văn Giỏi, dân tộc Vân Kiều, sinh năm 1994. Anh Giỏi cho hay, xưa nay người dân thôn bản vẫn trồng cây vào rừng, tiện đâu thì trồng đấy. Trong vài năm trở lại đây bà con trồng có quy mô hơn, chỉ riêng tháng 3/2024, bà con đã trồng được 1.500 cây bản địa là cây bồ kết và bồ hòn.

Chọn bồ kết rừng và bồ hòn là hai cây trồng chủ lực với phương châm “trả cây cho rừng” đồng bào có cách đáp trả văn minh, sòng phẳng với mình, với thiên nhiên. Đây cũng là hai loại cây chủ lực, vào giai đoạn trưởng thành chúng cho quả, là nguồn nguyên liệu quý cho dược liệu, chiết xuất làm mỹ phẩm, các loại nước tẩy rửa sinh học theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Anh Hồ Văn Hùng, sinh năm 1988, dân tộc Vân Kiều thôn Trăng - Tà Puồng, là thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng Trăng - Tà Puồng chia sẻ, từ thời xưa ông cha đã trồng cây, không phải cây công nghiệp mà cây rừng, cây có ích cho người và thiên nhiên, nhớ lời Bác Hồ kêu gọi Tết trồng cây, vì lợi ích mười năm, vì lợi ích của con cháu sau này thì việc trồng cây hôm nay rất có lợi cho dài lâu.

Khắp các khu vực rừng phòng hộ Trăng - Tà Puồng đều được trồng xen bồ kết và bồ hòn. Cách trồng xen, trồng thưa là lựa chọn thông minh. Bởi chu kỳ sinh trưởng của hai loại cây này trên 5 năm, cây sẽ cho hạt, từ hạt rớt xuống đất rồi nẩy mầm lên cây mới không tiêu tốn thời gian, công sức. Từ đặc điểm này, đồng bào có thể tiếp tục dùng cây con xen ghép để tăng số lượng cây trong rừng mà không mất công ươm giống, chăm sóc và vận chuyển. Anh Giỏi cho hay, nắm được quá trình sinh trưởng và phát triển của cây đồng thời tận dụng lợi thế của nó là ưu điểm khi trồng rừng. Cây có thể phân tán tự nhiên để phát triển thành vùng cây chủ lực hoặc được sự tác động của con người thì nó hiệu quả hơn.

Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, những biến đổi khí hậu làm đời sống con người ngày càng khó khăn. Trồng rừng để giữ nó phát triển bền vững là sự bù đắp, trả nợ của con người trước thiên nhiên. Anh Hồ Văn Sinh, thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng tâm sự: Tập quán đốt rừng làm rẫy của đồng bào Vân Kiều đã chấm dứt từ lâu rồi, đó là hành động chấp hành chủ trương nhà nước về bảo vệ rừng. Mặc dù thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào vẫn cố gắng thâm canh, chuyển đổi nghề nghiệp để giảm những tác động xấu đến thiên nhiên. Đồng bào Vân Kiều có quan niệm, lấy của rừng tức cũng là nợ rừng, lấy nhiều trả nhiều, lấy ít trả ít. Nên sống càng giản tiện càng tốt, không phải đồng bào không thấy lợi ích khi khai thác rừng mà đồng bào biết rằng, nếu lấy của rừng vì lợi ích của một vài người thì hậu quả phải gánh của hàng trăm người, hàng nghìn người.

Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động trồng cây bản địa vào rừng, anh Sinh cho hay, trồng cây bản địa con bò, con dê không phá, nó hợp với khí hậu, hợp với đất nên phát triển tốt. Muốn con cháu có cuộc sống tốt hơn thì thế hệ hôm nay phải trồng rừng, nhất là trồng rừng bền vững.

Hy vọng xanh từ những cây con bé nhỏ

60 km từ Tượng đài chiến thắng Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) đến bản Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) vẫn bạt ngàn mầu xanh. Một dãy đồi núi xanh rì vắt từ xã Hướng Phùng đến Hướng Lập, rừng già vẫn có rất nhiều cây cổ thụ uy nghi, hệ thống động thực vật phong phú, đa dạng. Trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng thì việc dựa vào đồng bào để bảo vệ và phát triển rừng là ưu thế lớn. Đồng bào hiểu rõ về tự nhiên, về từng con người, cái cây, từng vị trí, khu vực… nên việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều thuận lợi. Sự ra đời của các Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn bản là mốc quan trọng trong việc bảo vệ rừng. Anh Hồ Văn Giỏi cho biết, có Ban quản lý rừng cộng đồng, các đối tượng phá hoại rừng giảm rõ rệt, hầu như không tồn tại bởi lực lượng luôn tổ chức tuần tra, nhiều hoạt động rộng và thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm lâm nên tội phạm phá hoại rừng không có, những đối tượng vi phạm cũng không. Ngoài thời gian tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên Ban quản lý chú trọng để trồng rừng, phát triển rừng tự nhiên, bền vững.

Chăm từ những mầm xanh, cuốc từng nhát đất, gieo trồng từng cây con… đó là việc làm quen thuộc của đồng bào bản Trăng - Tà Puồng, của 22 thành viên trong Ban quản lý rừng cộng đồng ở đây. Anh Hồ Văn Hùng hồ hởi, khi trồng cây vào rừng, đi qua gặp chúng lên lá mới, lên mầm xanh, nhìn nó cao, thích lắm. Cây cao lên đầu gối, cao đến đầu người, cây cao đến phải ngước nhìn, đó là tương lai của người trồng rừng bền vững. Khác với trồng rừng để khai thác (rừng tràm, keo lai…) việc trồng rừng bằng cây bản địa là gửi cho rừng những cái cây vĩnh viễn, không ai được quyền chặt phá, không mua bán, hàng trăm năm sau có thể người trồng cây không còn nhưng cây sẽ còn.

Hy vọng vào những cây xanh bé nhỏ, hy vọng vào sự trở lại của thiên nhiên hùng vĩ, người mẹ thiên nhiên cho thấy hành động chuộc lỗi của con người, cho mưa thuận, gió hòa, cho cây cối tốt tươi đó là ước mơ của đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cụ Hồ Xuân Lương vui mừng bắt tay khi chúng tôi nói lời chia tay với bản Trăng - Tà Puồng: Nếu trở lại đây vài năm sau cây sẽ cao hơn đầu người, vài chục năm cây đã cho hoa, cho trái, cây đẻ con. Bố vẫn ước mơ một bản làng Vân Kiều ẩn hiện dưới những cây xanh, đẹp và bình yên lắm.