Không đơn độc

Hơn 100 năm trôi qua, tập hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc tại Paris do các mật thám ghi chép không còn là một bí mật với các nhà nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bởi tính chất đồ sộ và những thông tin chuẩn xác được chính những người được cử theo dõi những hoạt động của Bác, người được mệnh danh “Kẻ manh động người An Nam” ghi chép lại.
0:00 / 0:00
0:00
Một số văn bản tài liệu của mật thám Pháp về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ảnh tư liệu
Một số văn bản tài liệu của mật thám Pháp về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ảnh tư liệu

Từ một tài liệu mật thám…

Tập hồ sơ không chỉ là minh chứng về các hoạt động trong những năm Bác Hồ ở Pháp, minh chứng cho tư tưởng và ý chí kiên định của Người. Đó còn là minh chứng cho sự ủng hộ của đông đảo các công dân yêu chuộng hòa bình. Không chỉ có người An Nam tại Paris mà còn có cả các chính trị gia người Pháp và quốc tế, những người ngay từ đầu đã trao cho Nguyễn Ái Quốc một sự ủng hộ to lớn, cho phép Người có thể hoàn thành những mục đích cao cả khi đặt chân đến Paris.

Trong số các trang tài liệu đó phải kể đến báo cáo của mật thám Josselme viết ngày 25/3/1921 gửi Sở Bảo an. Josselme khi đó đang là tổng giám sát những người Đông Dương tại Pháp, đã viết một bản báo cáo dài gần chục trang và không giống như những bản báo cáo còn lại của tập hồ sơ, thậm chí nó có thể được coi như một bản báo cáo duy nhất trong cách viết này.

Đó là một bản báo cáo vừa như tường thuật lại chuyến công tác điều tra của một mật thám được giao nhiệm vụ theo dõi những người An Nam và cả những người ủng hộ việc giải phóng An Nam tại Paris, vừa như một truyện ngắn kể lại những cuộc đàm đạo giữa nhân viên mật vụ và các “nhân vật” trong câu chuyện. Trong các cuộc đối thoại này, có lẽ độc đáo nhất vẫn là cuộc hội thoại giữa nhân viên mật thám, người đang đóng vai của một liên lạc viên với lý do mang tin tức của ngài Maurice (hoặc Morice) hiện đang học tập và làm việc tại Marseille tới Nguyễn Ái Quốc khi đó đang nằm tại viện Cochin dưỡng thương sau phẫu thuật cánh tay.

“- … Tôi cũng đã từng đọc vài lần tên của ông trên các tờ báo, nhưng tại sao ông lại quan tâm đến chính trị. Ông không sợ bị theo dõi? Ông cũng không sợ bị hãm hại sao?

- Bất luận là gì! Nếu tôi quan tâm đến chính trị, đó là bởi vì tôi không sợ cái chết và cũng không sợ nhà tù. Sống trên đời, ai chả chết một lần chết, tại sao lại sợ chết? Tôi cũng cần phải nói với ông rằng ở đây tôi có các mối quan hệ với các nhân vật cao cấp của Đảng Xã hội, họ sẽ bảo vệ nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra với tôi. Chính họ đã giúp những bài báo của tôi được đăng trên các tờ báo.

(…)

Nguyễn Ái Quốc là một kẻ ma lanh, rất thông minh, ông ấy nói rất tốt tiếng Pháp”.

Như vậy chỉ cần trích lược vài dòng của bản báo cáo đặc biệt này đủ cho chúng ta thấy, Nguyễn Ái Quốc không hoạt động một mình mà luôn có sự đồng hành và ủng hộ của những người đồng chí, như lời Người nói.

“Nguyễn Ái Quốc nói tiếp, tôi luôn có ý định cùng với những người Đông Dương ở Pháp lập một hội lấy tên là Hội ái hữu để trau dồi về chính trị. Để làm được điều đó, không nhất thiết phải đông mới mạnh. Một vài người là đủ miễn sao họ có cùng quan điểm và một lòng yêu nước. Tổ chức này được tạo ra, nếu có chuyện gì xảy ra, sẽ có người khác thay thế và tiếp tục ý tưởng của tôi”.

Không đơn độc ảnh 1

Ảnh tư liệu

Họ là ai?

Có rất nhiều bài ghi chép cho thấy Nguyễn Ái Quốc nhận được sự ủng hộ nhiệt thành không chỉ của các đồng hương người An Nam mà còn nhận được sự ủng hộ của các đồng chí quốc tế và cả những nhân vật chính trị có tiếng tại Paris. Ghi chép đề ngày 15/5/1922 có viết:

Trong số các mối bang giao hay quen biết của Quốc, chúng tôi có thể kể ra các tên tuổi như sau: Marcel Cachin, Longuet, Daniel Renoult, André Berthon, Frossard, Ferdinand Buisson, Vaillant Couturier, Durins của tờ Nhân đạo… cũng như những nhân vật cộng sản cách mạng của Hội Liên hiệp thuộc địa: Sarrotte trú tại số 2 tòa nhà Chapelle, Bloncourt trú tại số 10 đại lộ Port Royal, Stefany tại số 9 đường Claude Bernard, Ralaimogo trú tại 203 đường St Jacques, Monnerville tại số 9 đường Valette.

Có thể thấy trong số này một cái tên rất quen thuộc, Vaillant Couturier (1892-1937), nguyên nghị sĩ Quốc hội Pháp, người tham dự và phát biểu tại Đại hội đảng Tours năm 1920 cùng với đại diện An Nam Nguyễn Ái Quốc và là một trong số những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Ngoài Vaillant Couturier, một cái tên khác cũng thường xuyên được các nhà sử học kể đến chính là Marcel Cachin (1869-1958), nguyên nghị sĩ Quốc hội kiêm Tổng Biên tập báo Nhân đạo. Marcel Cachin cũng chính là người, theo như ghi chép của mật thám, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc trong việc xuất bản cuốn “Những người bị áp bức”. Cuốn sách tuy không được xuất bản nhưng theo như tài liệu ghi chép của mật thám thì rất có thể đây chính là tiền thân của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”.

Bên cạnh đó còn có các tên tuổi như Daniel Renoult (1880-1958), nguyên thị trưởng thành phố Montreuil và đồng thời từng giữ chức tổng biên tập của những tờ báo lớn, tờ Quốc tế, tờ Cộng sản buổi tối, người luôn ủng hộ Nguyễn Ái Quốc viết báo. Ngoài ra còn phải kể đến Longuet, Frossard hay Ferdinand Buisson. Longuet với tên gọi chính xác là Jean Longuet (1876-1938), nguyên nghị sĩ đảng Quốc hội. Jean Longuet cũng chính là cháu ngoại của Karl Marx. Frossard với tên gọi Louis-Oscar Frossard, nguyên nghị sĩ Quốc hội và đồng thời cũng là Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản của chi bộ Pháp từ 1921 đến 1923 và sau này ông còn giữ các chức vụ bộ trưởng khác nhau từ 1935 đến 1940. Ferdinand Buisson (1841-1932), nguyên nghị sĩ Quốc hội kiêm Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền, người được trao giải thưởng Nobel vì hòa bình vào năm 1927.

Như vậy chỉ cần điểm qua những mối “bang giao”, trích lời của mật thám Pháp, của Nguyễn Ái Quốc tại Paris đã đủ cho chúng ta thấy các tên tuổi “đáng nể” của các chính khách, những người ra mặt ủng hộ Nguyễn Ái Quốc trên trường chính trị trong nước Pháp và cả quốc tế. Tuy nhiên, ngoài các chính trị gia người Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn có các mối quan hệ rất mật thiết với các đồng chí quốc tế trong đó phải kể đến Henri Sarotte (hay còn gọi Sarrotte) (1879-1921), người Martinique, nguyên Bí thư Ủy ban Nghiên cứu thuộc địa và Samuel Stéfany (1890-1939), nguyên thành viên của Liên đoàn Nhân quyền. Theo ghi chép của mật thám Désiré trong báo cáo ngày 3/5/1923, cùng với các đồng chí của mình, Nguyễn Ái Quốc tham gia mở một hợp tác xã trực thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa để thành lập một cơ quan tuyên truyền lấy tên là “Le Paria”.

“Hôm qua, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được một tờ giấy có gián tem trị giá 2 phờ răng với nội dung thông báo như sau:

Thi hành điều 7 và 8 của đạo luật ngày 29 tháng bảy năm 1881, tôi, Sarrotte (Henri Georges), sinh tại Trinité ngày 9 tháng hai năm 1877, nhân viên thương mại trú tại số 3 đường Marrché des Patriarches (quận 5) thực hiện các quyền công dân và chính trị của mình, xin khai rằng, tờ báo tháng “Người cùng khổ” diễn đàn của nhân dân các dân tộc thuộc địa có một số sự thay đổi sau:

1° Quản lý: Henri, Georges Sarrotte7 trú tại Paris ở số 3 đường Marrché des Partriarches thay cho Nérat

2° Nhà in: Berlond nhà in số 24 đường Trường Học (quận 5) ở Paris thay cho Emancipatrice.

Viết tại Paris ngày 1 tháng năm 1923

Ký tên: G. Sarrotte”.

Phải nói rằng càng nghiên cứu sâu vào tập hồ sơ, chúng ta càng phát hiện ra rất nhiều những chi tiết rất thú vị, những bài học chưa bao giờ là xưa cũ để bảo vệ dân tộc: “Để làm được điều đó, không nhất thiết phải đông mới mạnh. Một vài người là đủ miễn sao họ có cùng quan điểm và một lòng yêu nước”.