BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Mỗi cán bộ vì bản làng no ấm, yên vui

Thời gian qua, ở khu vực miền tây Nghệ An, nơi có đông bà con người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các đảng viên dân tộc thiểu số đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó khuyến khích, động viên người dân tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm và tư duy đổi mới của mình, nhiều người trong số họ trở thành “đầu tàu” trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Vừ Y Dở giới thiệu về những tuyến đường nông thôn mới quang đãng, sạch sẽ.
Chị Vừ Y Dở giới thiệu về những tuyến đường nông thôn mới quang đãng, sạch sẽ.

Những nhân tố tạo nên làn gió mới

Xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), nơi có đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700 m so mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất của dãy Bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào. Từng được mệnh danh là thủ phủ của cây thuốc phiện, nhưng giờ đây Na Ngoi đang vươn mình phát triển.

Na Ngoi có 19 bản, với 1.068 hộ gia đình, dân số chủ yếu là người dân tộc H’Mông, Thái và Khơ Mú. Theo Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi Vừ Bá Lỳ, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 83% số hộ dân, nay giảm xuống còn khoảng một nửa. Toàn xã đang có khoảng 500 hộ tham gia trồng gừng, diện tích gần 200 ha và hàng chục mô hình trồng đào. Na Ngoi có được như ngày hôm nay phải nhắc đến vai trò của những nhân tố tạo nên làn gió mới.

Làn gió mới theo cách nói của Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi không phải ai khác, đó chính là những người đảng viên nhiệt huyết, đi đầu trong xây dựng mô hình, phát triển kinh tế ở địa phương. Với tư duy đổi mới, họ lan tỏa tinh thần vượt khó cho người dân nơi đây và đảng viên Xồng Bá Lẩu (sinh năm 1987), trưởng bản Buộc Mú là một trong số đó.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Huế, với khát vọng xây dựng quê hương phát triển, Xồng Bá Lẩu chọn con đường trở về quê lập nghiệp. Nắm bắt nhu cầu đào cảnh mỗi dịp Tết; nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp cho cây đào phát triển, năm 2012, anh vay mượn tiền để đầu tư trồng đào đá. Tết năm 2016, những cành đào đá đầu tiên của anh được mang xuống vùng xuôi để bán. Thấy đào được ưa chuộng, triển vọng nên anh tiếp tục vay mượn để nhân rộng diện tích. Đến nay, vườn đào của gia đình anh đã lên đến 1.000 gốc. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, vườn đào mang lại cho gia đình hơn 150 triệu đồng.

Cùng với đào, gia đình anh Lẩu cũng đang trồng một ha gừng. Với sản lượng 12 tấn gừng/ha, giá khoảng 20 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu cho gia đình anh 200 triệu đồng. Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình mình, anh còn cung cấp đào giống, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con dân bản để họ phát triển kinh tế. Anh cũng thu mua gừng cho người dân, giúp bà con tránh được việc bị thương lái nợ tiền, ép giá. “Hôm trước, mình vừa bàn với bà con trong xã trồng thêm dược liệu, đầu tiên là cây đẳng sâm, đây là loại cây dược liệu quý. Nhu cầu thị trường về các sản phẩm từ cây đẳng sâm khá lớn nên nhiều doanh nghiệp đang quan tâm và phát triển chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ”, anh Lẩu chia sẻ.

Hay, như câu chuyện của anh Già Bá Lữ (sinh năm 1995), Phó trưởng bản Buộc Mú 2. Ngoài việc trồng hơn 1.000 gốc đào đá, vợ chồng anh Lữ cũng đứng ra vận động người dân bản Buộc Mú 2 phát triển chè và cây dược liệu… sản xuất hàng hóa, dịch vụ tăng thêm thu nhập cho nhân dân bước đầu có hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết, xã có 15 trưởng bản và phó trưởng bản là đảng viên. Trong số này, nhiều người đã tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng rừng, chanh leo, gừng, sắn cao sản; chăn nuôi trâu, bò, cá ao… Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế của gia đình, họ cũng tích cực hỗ trợ cây giống, con giống và cả kinh nghiệm cho người dân trong vùng, nhờ đó mà trên địa bàn xã ngày càng có thêm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, bản Lưu Thông còn được biết đến là điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”, không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật và không có người thụ án tù; mọi người sống hòa thuận, đoàn kết. Lưu Thông cũng là bản có thành tích nổi bật trong thực hiện xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nữ bí thư chi bộ người H’Mông đầu tiên

Từ xã Tà Cạ về làm dâu ở bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền), với tính cách hòa đồng, nhanh nhẹn, cô gái H’Mông Vừ Y Dở (sinh năm 1982) nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới và được chồng, bố mẹ chồng tạo điều kiện để tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Năm 2005, chị được Chi bộ bản Lưu Thông bồi dưỡng, dìu dắt vào hàng ngũ của Đảng.

Là đảng viên, lại là chi hội trưởng phụ nữ của bản, Vừ Y Dở đã vận động chị em phụ nữ hằng tháng ra quân vệ sinh môi trường thôn bản sạch sẽ, thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt, động viên các chị em trong thôn bản tham gia vào các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng đời sống văn hóa… Chị còn cùng với chị em phụ nữ xây dựng vườn chuối có diện tích 1,5 ha của Hội để vừa tạo quỹ, vừa là nơi để các chị em trao đổi kinh nghiệm canh tác. Với uy tín và năng lực nổi trội của mình, năm 2021, chị Dở được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông, cũng chính là nữ bí thư chi bộ thôn người H’Mông đầu tiên ở huyện rẻo cao Tương Dương.

Bí thư chi bộ Vừ Y Dở cho biết, thời điểm ấy, tuy được chồng và gia đình ủng hộ, nhưng chị vẫn băn khoăn, cả thiếu tự tin. “Mới đầu, khi tham gia vào công tác xã hội ở địa phương, mình rất ngại phát biểu. Dần dần, được giao tiếp nhiều, tiếp thu nhiều kiến thức, mình đã hiểu phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới, cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản làng nên đã mạnh dạn, tự tin hơn. Lúc mới đầu được bầu làm bí thư chi bộ, mình rất lo vì sợ không làm được bởi vì mình là người ở xã khác đến, dân số bản Lưu Thông chủ yếu là người dân tộc Thái, không am hiểu phong tục, văn hóa của họ, lại là phụ nữ nên nói sợ mọi người không nghe. Chưa kể, phụ nữ H’Mông xưa nay vẫn chỉ quen với nương rẫy, cây sắn, cây ngô, nói gì đến chuyện tham gia công tác xã hội”, chị Dở chia sẻ thêm.

Được sự khích lệ, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của những người đi trước và hai đảng viên là cán bộ xã tham gia sinh hoạt ở chi bộ nên chị cũng nhanh chóng thạo việc, đảm đương được nhiệm vụ. Là “đầu tàu” ở thôn bản, Bí thư Vừ Y Dở cùng với chi ủy chi bộ và ban cán sự bản luôn trăn trở làm thế nào để cuộc sống người dân ngày càng được tốt hơn, bản làng sạch đẹp hơn. Cùng với trồng chuối lấy lá, trồng lúa rẫy, bảo vệ rừng, Chi bộ bản Lưu Thông còn vận động bà con trồng cỏ voi, thực hiện nuôi nhốt gia súc, gia cầm, cải tạo ao nuôi cá… Hiện nay, bản Lưu Thông có đàn trâu, bò, dê thuộc diện nhiều nhất xã. Nhiều hộ dân có đàn bò lên đến cả chục con, kinh tế khá giả. Riêng gia đình chị Dở đang phát triển kinh tế gia đình với việc canh tác 3 ha chuối với thu nhập mỗi ha khoảng 5 triệu đồng/tháng, nuôi nhốt bò vỗ béo, dê thương phẩm. Gia đình chị cũng là địa chỉ cung cấp chuối giống cho bà con trong xã.

“Cả xã Lưu Kiền lúc đó chỉ có chị Dở là đảng viên nữ người H’Mông, rồi nữ bí thư chi bộ người H’Mông đầu tiên của huyện rẻo cao Tương Dương. (Đến tháng 5/2023, kết nạp thêm quần chúng Vừ Thị Thu Trang, người dân tộc H’Mông vào Đảng). Chị Dở là đảng viên năng động, gương mẫu, hăng hái trong phát triển kinh tế gia đình cũng như các phong trào xã hội. Với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, chị được bà con dân bản tin tưởng, quý mến, thật sự là “đầu tàu” của thôn bản, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lưu Kiền Lữ Duy Hải cho hay. Câu chuyện về bí thư chi bộ Vừ Y Dở là minh chứng sinh động cho tinh thần vươn lên của người phụ nữ vùng cao. Khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và cộng đồng, góp sức xây dựng bản làng no ấm, yên vui.