Mường Phăng trong tôi

Trong đời làm báo, ai cũng coi những vùng đất lịch sử, cách mạng, văn hóa hằn sâu trong tâm trí. Với tôi, đó là Mường Phăng, một cánh rừng nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên 12 km theo đường chim bay, nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, mà người đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người được Bác Hồ giao nhiệm vụ là “tướng quân tại ngoại” quyết định toàn bộ các hoạt động của chiến dịch trong 56 ngày đêm ròng rã để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn cựu chiến binh tham quan khu di tích Đồi A1. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đoàn cựu chiến binh tham quan khu di tích Đồi A1. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Những lát cắt ký ức khó quên

Vào trung tuần tháng 4/1994, tôi có may mắn được Ban Biên tập Báo Nhân Dân cử đi tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Tôi nhớ mãi, vào 20 giờ tối hôm ấy, Đại tướng nhắc đồng chí thư ký mời tôi sang phòng nghỉ để trò chuyện, tâm tình. Sau khi hỏi thăm quê quán, nghề nghiệp, đặc biệt là mặt thuận và chưa thuận của người làm báo thời Đổi mới, Đại tướng nói thân tình: “Trong chuyến đi này, có một chương trình đặc biệt là Đoàn ta sẽ vào thăm Mường Phăng, mà tròn 40 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên, mình quyết định trở lại thăm, nơi mình và Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn làm trụ sở suốt 105 ngày đêm ròng rã. Có thắng lợi ngày 7/5/1954, ngoài chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, chúng ta không bao giờ quên sức mạnh của nhân dân cả nước nói chung, trong đó có sự chở che, đùm bọc của bà con ở Điện Biên và xã Mường Phăng nói riêng. Vì vậy, các nhà báo khi viết về Điện Biên Phủ, hãy thể hiện sinh động tinh thần ấy nhé!”.

Trong những ngày tác nghiệp báo chí, tôi càng thấm thía lời dặn ấy của Đại tướng. Mở đầu chuyến thăm là buổi làm việc của Ông với các cán bộ chủ chốt của tỉnh. Các đồng chí Hoàng Niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Văn Puốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sôi nổi báo cáo những chặng đường phấn đấu với không ít cam go của mảnh đất có Điện Biên Phủ anh hùng sau 40 năm ngày chiến thắng. Lý giải ngọn nguồn, hiểu sâu địa thế, nhìn nhận đúng sức mạnh của con người và tiềm năng của vùng đất có diện tích 17.142 km2, tỉnh rộng thứ hai sau Đắk Lắk với 50 vạn dân và 23 nhóm dân tộc, khi đề cập những khó khăn cản trở bước đi lên của Lai Châu (lúc đó Điện Biên chưa tách ra khỏi Lai Châu), lãnh đạo tỉnh khái quát tỉnh có 8 cái “nhất”: Có biên giới dài nhất (644 km); có nhiều xã vùng cao nhất (122 trong 153 xã); có nhiều người dân sống bằng nương rẫy nhất; giao thông khó khăn; số người mù chữ còn nhiều; thu ngân sách địa phương quá thấp; rừng bị tàn phá nặng và tỷ lệ sinh đẻ cao (bình quân toàn tỉnh là 3,2%, có huyện 3,9%).

Nét mặt trầm ngâm, Đại tướng phát biểu ngắn gọn trong phần kết thúc buổi làm việc: “Chính những khó khăn chồng chất ấy càng thôi thúc chúng ta phải phấn đấu vượt bậc để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nơi đã chịu nhiều tổn thất trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp thống trị. Làm được việc đó, chính là để thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” vùng đất nghĩa tình với cách mạng”. Hôm sau, Đại tướng và Đoàn tháp tùng đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ ở đồi A1 và đồi Him Lam, thăm Nhà bảo tàng Điện Biên, hầm Đờ Cáttơri, Đài tưởng niệm những người bị thực dân Pháp tàn sát ở bản Noong Nhai, thăm một số gia đình nông dân ở xã Thanh Xương... Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành thời gian đến thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ngay trên mảnh đất xã Mường Phăng. Hàng nghìn cán bộ và nhân dân các dân tộc ở đây đã tập trung từ sớm, nồng nhiệt đón tiếp vị lão tướng đã từng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ngay trên mảnh đất của xã mình. Đi giữa rừng cây dẻ, sồi, chò chỉ, tô hạp hương… cao vút, xòe tán rộng, các đồng chí lãnh đạo địa phương cho biết, cánh rừng này được bà con gọi là “rừng Đại tướng”, đã được nhân dân bảo vệ và chăm sóc suốt 40 năm qua. Thể hiện lòng biết ơn sâu nặng với đồng bào các dân tộc Mường Phăng đã chở che, nuôi dưỡng bộ đội, đồng chí Đại tướng tặng quà cho các cụ, các chị phụ nữ, các cháu thiếu nhi; mong Mường Phăng sớm trở thành xã tiên tiến, sản xuất giỏi, đời sống khá, nhanh chóng tiến kịp các xã miền xuôi.

Mường Phăng trong tôi ảnh 1

Trung tướng Đặng Quân Thụy (ngoài cùng bên phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra mặt trận để quyết định nổ súng mở màn chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Lần đầu tiên sau 40 năm trở lại thăm Bộ Chỉ huy chiến dịch nằm gọn trong một quả đồi lớn bên một dòng suối, gồm hai dãy hầm được nối thông nhau bằng hệ thống đường hào kín dài hàng trăm mét, Đại tướng xúc động đi thăm lần lượt các di tích. Đây là dãy hầm dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ và Bí thư Đảng ủy mặt trận). Một hầm gần đó dành cho đồng chí Hoàng Văn Thái (lúc đó là Phó tổng tham mưu trưởng mặt trận) cùng nhiều vị tướng khác. Cạnh căn hầm là căn nhà mái nứa và tường bằng phên liếp, bên trong có chiếc bàn tre lớn để trải bản đồ và góc nhà là chiếc giường nằm của Chỉ huy trưởng. Tại đây, hằng ngày diễn ra các cuộc họp giao ban buổi sáng của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Sở chỉ huy vừa là nơi nhận các chỉ thị của Bác Hồ và Trung ương Đảng về nhiệm vụ chiến dịch trong từng giai đoạn; vừa là nơi phát đi các mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch cho từng đại đoàn. Đây cũng là nơi xử lý các thông tin về diễn biến của các chiến trường Bắc - Trung - Nam nhằm tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa Điện Biên Phủ với các mặt trận khác trong cả nước. Đại tướng sôi nổi kể lại một trong những kỷ niệm không thể nào quên về chiều 7/5 cách đây 40 năm: “Cũng tại căn hầm này, khi nhận được tin chiến sĩ ta bắt sống được Đờ Cáttơri, tôi điện hỏi anh Trần Độ và anh Lê Trọng Tấn: Có đúng ta bắt được Đờ Cáttơri rồi không? Căn cứ vào đâu mà biết đó là Đờ Cát? Tôi chỉ thị không được để cho địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhận dạng nó với căn cước. Phải kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu... Một lát sau, anh Lê Trọng Tấn gọi dây nói báo cáo: Đúng là đã bắt được Đờ Cát. Tôi hỏi lại: Đồng chí đã tận mắt nhìn thấy Đờ Cát chưa? Hiện giờ Đờ Cát ở đâu? Anh Tấn báo cáo giọng rất vui: “Đờ Cát đang đứng trước mặt tôi cùng với cả Bộ Chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ. Hầm vẫn còn cả “can” và “mũ đỏ”.

Ngay sau đó, tin quân ta ở Điện Biên Phủ đã đại thắng, được báo cáo ngay về Trung ương Đảng và Chính phủ. Cũng tại căn hầm này, ngày 8/5, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện khen ngợi của Bác Hồ: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu…”.

Sau này, tôi may mắn được gặp Trung tướng Đặng Quân Thụy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, được nghe Ông ôn lại những gian nan, nguy hiểm mà các chiến sĩ ta phải thực hiện, sự chuyển đổi chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” theo chỉ đạo của Bác Hồ; nghe những câu chuyện ly kỳ về sự kiên cường, sáng tạo trong việc “kéo pháo vào, kéo pháo ra” của bộ đội ta. Tôi xúc động được Ông cho xem tấm ảnh duy nhất chưa đăng báo trong nhiều năm qua, với cương vị Trợ lý tham mưu tác chiến chiến dịch, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đi cùng lên đỉnh đồi cao để quan sát và rà soát toàn bộ các công việc của chiến dịch trước giờ nổ súng vào ngày 11/3/1954. Ông tâm sự: Cụ Hồ nhận định thật tài tình qua một câu cuối của bức điện mừng chiến thắng: “Thắng lợi tuy to lớn, nhưng mới chỉ là bắt đầu”.

Đúng như lời căn dặn đó, người lính Đặng Quân Thụy tròn 10 năm sau ngày chiến thắng lại xuống Đồ Sơn tham gia đội quân chở vũ khí tiếp viện cho miền nam đánh Mỹ xâm lược theo “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” bằng “con tàu không số”. Rồi Ông lại ngược ra Bắc, đi bộ vượt Trường Sơn suốt 3 tháng trời vào chiến trường Tây Nam Bộ và gắn bó ở đây 9 năm nữa, cùng với bao chiến sĩ khác, góp sức làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Vậy là, từ ngày 7/5/1954 ở Điện Biên Phủ, dân tộc ta phải chiến đấu 21 năm ròng rã để có độc lập trọn vẹn. Điều đó càng chứng minh: Không có chiến thắng Điện Biên Phủ, sẽ không có Ngày chiến thắng 30/4/1975!

Mường Phăng trong tôi ảnh 2

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích hầm Đờ Cát. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Mường Phăng trong dòng chảy đổi mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, bà con các dân tộc ở Mường Phăng động viên nhau đoàn kết, hiệp đồng để đẩy lui nghèo khó, xứng đáng với vùng đất cách mạng và anh hùng. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương, Mường Phăng từng bước vượt khó đi lên, dồn sức phát triển sản xuất nông nghiệp - như tâm nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức thư gửi Chính phủ ngày 30/9/2008: “… Để tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước Loọng Luông”. Vậy là, sau hai năm thi công, công trình đã hoàn thành, cung cấp nước hầu như toàn bộ cho 20 bản của xã, tạo điều kiện cơ bản để mở rộng diện tích hai vụ lúa. Từ năm 2013, tổng diện tích là 100 ha lúa một vụ, thì đến năm 2023 đã tăng lên 225 ha lúa hai vụ và 87 ha lúa một vụ, bình quân lương thực đầu người đạt 534 kg/năm. Có bước tiến này, bà con Mường Phăng biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên gọi hồ Loọng Luông là “hồ bác Giáp”, hoặc “hồ Đại tướng”.

Thủy lợi và giao thông là hai mũi tiến công chủ lực của Mường Phăng. Từ năm 2011, xã bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê-tông hóa cùng hàng trăm km kênh mương... Phong trào “dân hiến đất mở đường”, “dân tự nguyện góp công sức làm đường” được nhiều bản hưởng ứng. Giờ đây, từ thành phố Điện Biên đến xã đã có hai tuyến đường (một tỉnh lộ, một quốc lộ). Dọc trung tâm xã đã có đường đôi với 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, đầy đủ hệ thống chiếu sáng và biển báo... Năm 2011, hộ nghèo còn 42% thì nay chỉ còn 4 hộ (chiếm 0,03%). Thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng cách đây hơn chục năm, đến năm 2023 đã nâng lên 45 triệu đồng.

Khách du lịch trong nước và nước ngoài nườm nượp đến thăm Mường Phăng bởi sự cuốn hút của Khu di tích Bộ Chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được bảo tồn và nâng cấp, là hiện thân của ý chí kiên cường, sáng tạo của nhân dân Việt Nam đã đánh bại kẻ thù mạnh gấp nhiều lần. Đây còn là nơi đang phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch cộng đồng mang nhiều đặc trưng văn hóa dân tộc Thái cổ, như kiến trúc nhà sàn của người Thái đen; trang phục tín ngưỡng, lễ hội; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, nhạc cụ… Du khách rất thích thú được thưởng thức các đặc sản, như cá nướng, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nặm pịa, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, lạp sườn gác bếp, măng rừng luộc chấm chẩm chéo, xôi ngũ sắc, bắp cải cuốn nhót xanh... Đêm buông, khách du lịch cùng giao lưu với dân bản những điệu xòe, nhảy sạp, nghe các ca khúc dân ca vùng Tây Bắc...

Một trong những điểm du lịch cộng đồng đặc sắc ở Mường Phăng là bản văn hóa du lịch Che Căn nằm ngay trung tâm xã. Che Căn có địa thế dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Huổi, cao hơn 1.700 m so với mặt biển. Bản có gần 100 hộ dân tộc Thái sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống nằm giữa mầu xanh ngút ngàn của núi rừng. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Hiện bản Che Căn có một homestay và gần 20 hộ làm dịch vụ du lịch. Đến đây, du khách được tham quan, tìm hiểu trải nghiệm thực tế đời sống sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Homestay Phương Đức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do người dân Mường Phăng thực hiện. Tại đây, du khách được cung cấp các dịch vụ: ăn, ngủ và tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên. Homestay Phương Đức đủ phục vụ từ 45 đến 50 khách ăn, ở trong ngày, luôn tạo được sự hài lòng và ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Chính vì lợi thế của mô hình du lịch độc đáo đó, khách nghỉ qua đêm ở đây càng tăng, mặc dù chỉ cách thành phố Điện Biên gần 30 km. Tôi tâm đắc lời tâm sự của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: “Có được sự thay đổi lớn lao của tỉnh nói chung, của Mường Phăng nói riêng là các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã kiên trì thực hiện tốt phương châm: phát triển kinh tế luôn song hành với phát triển văn hóa”.

Mường Phăng đã và đang là điểm đến hấp dẫn. Cũng như không ít bạn đồng nghiệp, tôi đã đến đây nhiều lần; mỗi lần trở lại đều được mắt thấy, tai nghe những đổi thay mang tính cách mạng của vùng đất đã và mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Tôi gửi trọn niềm tin vào nhân dân Mường Phăng tiếp tục cùng cả nước thúc đẩy mọi mặt phát triển mạnh mẽ trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tháng 4/2024