BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Trưởng buôn giúp bà con thoát nghèo

Theo chân ông Y Lai Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) chúng tôi vào buôn Bhung tìm gặp Buôn trưởng người dân tộc Ê Đê. Ông Y Lai chỉ người đàn ông tráng kiện, nước da ngăm đen, quần ống thấp, ống cao đứng bên chiếc xe máy đầy bùn đất. Đó là Y Đen Byă. Anh đang cầm loa tay thông báo bà con đến nhà văn hóa buôn làm định danh điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng buôn Bhung đang đi tuyên truyền bằng loa tay.
Trưởng buôn Bhung đang đi tuyên truyền bằng loa tay.

Nhờ môi trường quân ngũ

Y Đen Byă sinh năm 1986, sau khi học hết cấp ba, do hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể tiếp tục học lên đại học, anh viết đơn tình nguyện và nhập ngũ vào tháng 2/2006. Anh được phân về Tiểu đoàn 303 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk. Y Đen được cử đi học lớp A trưởng với chuyên ngành Vô tuyến điện tại Trường Quân sự Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Một năm sau, anh được điều chuyển về phục vụ ở Đội K51 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk), được phân công sang nước bạn Campuchia tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. “Trong thời gian này mình cùng đồng đội tìm kiếm quy tập được 38 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ tại nước bạn Campuchia”, Y Đen nhớ lại. Với sự năng động và nhiệt huyết tuổi trẻ, anh trở thành quần chúng ưu tú được đơn vị giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng.

Năm 2008, hết nghĩa vụ trở về buôn Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Y Đen Byă vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 2010, Y Đen lập gia đình rồi về ở rể nhà vợ ở buôn Bhung theo phong tục bắt chồng của người Ê Đê. Với bản tính siêng năng, cùng với hơn 3 năm được tôi luyện trong quân ngũ, anh cùng vợ phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động tại địa phương. Y Đen được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ 2 năm, rồi Bí thư Chi bộ 2 năm. Năm 2021, Y Đen làm Trưởng buôn Bhung.

Không còn là điểm nóng

Y Đen hiểu rất sâu sắc tâm tư bà con đồng bào. Anh trăn trở rất nhiều: “Buôn Bhung có 240 hộ với 1.128 khẩu, 98% là người dân tộc thiểu số, người Kinh chỉ có 11 hộ, do hủ tục lạc hậu và không biết cách làm ăn nên đời sống bà con trong buôn vẫn quẩn quanh đói nghèo. Một số bà con vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ từ Nhà nước. Một số hộ không muốn thoát nghèo, rất khó vận động. Những năm trước đó, buôn Bhung còn là “điểm nóng” của xã về an ninh trật tự. Nhiều thanh niên trong buôn chưa chí thú làm ăn, thường tụ tập rượu chè, gây gổ, đánh nhau, trộm cắp, nhiều trường hợp phải đi cải tạo...”.

Ngay từ những năm đầu tham gia công tác ở địa phương, Y Đen đã đặc biệt chú ý đến tình hình an ninh trật tự trong buôn. Nhiều vụ trộm cắp vặt, thanh niên tụ tập đánh nhau, gây rối… khiến cuộc sống buôn làng bất an. Anh đã phối hợp cùng Công an xã thành lập tổ dân phòng gồm 6 người do anh làm tổ trưởng đêm hôm đi tuần tra từng ngõ ngách của buôn. Anh nói thành thạo ngôn ngữ Ê Đê và tiếng Kinh, cả một ít tiếng Khmer nên khi nhắc nhở người dân, khi tuyên truyền, vận động thanh niên đều rất thuyết phục.

Ông Y Pren Ê Ban, Bí thư Chi bộ buôn Bhung cho biết: “Anh Y Đen làm cán bộ, làm Trưởng ban tự quản của buôn nhiều năm nên tình hình an ninh, cuộc sống bà con anh nắm rất chắc. Từ hành động, lời nói đến việc làm của anh đều gần gũi gắn với buôn làng và luôn mong muốn cuộc sống bà con đỡ khổ nên ai cũng thích… Từ đó đã tạo đổi thay lớn trong nhận thức của bà con. Đám thanh niên cũng lo làm ăn, ít ăn nhậu quậy phá, tình hình trộm cắp cũng giảm hẳn. Năm 2017, buôn Bhung không còn là “điểm nóng” về an ninh trật tự nữa”.

Ông Y Lai Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui: Xã Cư Pui là xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Krông Bông. Xã có 13 thôn, buôn thì trách nhiệm của người đứng đầu mỗi thôn, buôn là thôn trưởng, buôn trưởng rất lớn. Anh Y Đen là đảng viên, trưởng thành từ môi trường quân đội, được huấn luyện bài bản nên anh làm gì cũng quyết đoán, có tình, có lý nên bà con tin tưởng nghe theo. Hai năm liên tiếp, buôn Bhung đạt danh hiệu buôn văn hóa có công rất lớn của Trưởng buôn Y Đen Byă.

Muốn đồng bào nghe thì mình phải làm được

Vừa quán xuyến công việc của buôn, vừa phải lo kinh tế gia đình, Y Đen vẫn luôn tìm tòi học hỏi trên sách vở, trên ti-vi và cán bộ khuyến nông về kỹ thuật trồng cây công nghiệp, cây ăn trái. Với 4 ha đất đồi của gia đình, anh đã cải tạo và áp dụng nhiều mô hình: Lấy ngắn nuôi dài; trồng đa cây tiêu, điều, cà-phê, dứa, cây ăn quả; phần đất dốc bạc màu Y Đen trồng 1 ha rừng cây keo lai.

Trong cơn mưa xuân lất phất, chúng tôi đến tận nơi thăm mô hình rẫy của Y Đen. Nhìn cây trái xanh tươi được quy hoạch từng khu ngay hàng thẳng lối, trải rộng khắp một vùng đồi mà chỉ vài năm trước nơi đây là đất hoang nay đang ấp ủ cho những mùa no ấm. Trong các cuộc họp, người buôn trưởng trẻ luôn lấy kinh nghiệm từ chính bản thân mình: “Nếu tôi ỷ làm buôn trưởng, không chịu đi làm thì đất rẫy để cho cỏ mọc chứ làm gì có cây trái thu hoạch như hôm nay…”. Anh lồng ghép chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của chính quyền xã Cư Pui phát động, phân tích, chỉ cho bà con cái lợi, cái được. Anh đến tận nhà, tận rẫy của những hộ khó khăn giúp cây giống, vật nuôi, chỉ dẫn cách làm như phát triển đàn dê, đàn bò, nuôi gà… thay vì trước đây chỉ nuôi vài con heo thả rông. Từ cái tâm hết lòng lo cho bà con buôn làng, sự năng động của trưởng buôn đã mang lại hiệu quả kinh tế trong từng gia đình. Đến nay nhiều gia đình đã tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Với các thanh niên, trong các cuộc họp Y Đen chú trọng đến tìm công ăn, việc làm. Anh biết tâm lý của người đồng bào tại chỗ chưa biết đi làm ăn xa, cứ quẩn quanh hết việc lại tụ tập ăn, nhậu. Anh tuyên truyền, khuyến khích thanh niên trong buôn tranh thủ những lúc nông nhàn mạnh dạn đi làm công nhân ở các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… Nhiều người đi làm 3 đến 4 năm trở về xây dựng gia đình, có vốn xây nhà 80 đến 100 m2 rất khang trang.

Góp công giảm hộ nghèo

Bên cạnh chăm lo đời sống cho người dân, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên cho đảng, đặc biệt đảng viên người dân tộc tại chỗ cũng được Trưởng buôn Y Đen chú trọng. Anh cho biết: “Mình cũng là người đồng bào, mình được như hôm nay là nhờ đảng, nhờ đoàn thể giáo dục. Nếu buôn làng có thêm nhiều đảng viên người đồng bào thì công việc tuyên truyền, vận động bà con rất thuận lợi. Năm 2021, Chi bộ buôn có 5 đồng chí đảng viên, trong đó có 3 đảng viên người đồng bào, đến nay Chi bộ có 9 đảng viên, 8 nam, 1 nữ thì đã có 7 đảng viên người dân tộc thiểu số”.

Chúng tôi hỏi Y Đen về những khó khăn, những kỷ niệm không quên trong những năm tháng công tác, vận động bà con buôn làng. Trưởng buôn Bhung chia sẻ: “Nhớ nhất khi dịch Covid-19, năm đó mình làm Bí thư Chi bộ, ông Y Dun Byă làm Buôn trưởng. Ông nhắc các hàng quán không được mở cửa bán rượu, bà con không được tụ tập rượu chè, người nào ở nhà nấy, nhưng đồng bào không hiểu biết vẫn tụ tập ăn nhậu. Đối tượng Y Trắp Byă đi uống rượu về bị ông Y Dun nhắc nhở thì cầm xà gạc rượt chém, ông Buôn trưởng phải bỏ chạy! Mình đến giải thích, ông ấy không nghe đâu. Mình phải kết hợp Công an xã can thiệp khi đó nó mới chịu… đó là khó khăn mà cán bộ buôn, xã thường gặp”.

Ngay tại thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu viết bài, Trưởng buôn Y Đen vẫn rất trăn trở: “Tuyên truyền bà con làm định danh điện tử, đã triển khai 3 tháng rồi nhưng bà con vẫn nhận thức chưa đầy đủ. Mình vẫn biết ở phố, chính quyền lập Zalo nhóm, chỉ cần đưa thông tin vào đó bà con biết họ tự giác đi làm. Còn ở đây, một là do nhận thức, hai là không có điện thoại hoặc có mà không biết dùng. Mình tuyên truyền bằng loa cầm tay để tập trung họp hay triển khai công việc gì đó, phải đi và gọi loa thông báo 2 đến 3 lần. Ban ngày bà con đi rẫy… nên nhiều đêm, cho dù mưa, gió cũng phải đến từng nhà thông báo, tuyên truyền, vận động đủ các kiểu”.

Nhìn một vài con số thống kê của xã Cư Pui ghi nhận kết quả đánh giá những đổi thay của buôn Bhung từ năm 2021 đến cuối năm 2023 mới thấy công sức của tập thể chính quyền địa phương, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của buôn trưởng năng động, nhiệt huyết. Năm 2021, buôn Bhung có 118 hộ, 561 khẩu nghèo; hộ cận nghèo 21 hộ, 113 khẩu. Năm 2023, buôn Bhung còn 97 hộ, 469 khẩu nghèo; cận nghèo 27 hộ, 125 khẩu.