Vượt lên những thiệt thòi

Tại SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia đã loại bỏ nhiều bộ môn Olympic, trong đó có bắn súng và thể dục dụng cụ nữ. Bất chấp thách thức ấy, các đội tuyển quốc gia đã xây dựng kế hoạch cho riêng mình, nhằm tập trung cho hai mục tiêu quan trọng nhất năm: Huy chương vàng tại kỳ ASIAD 19 và những tấm vé tham dự Olympic 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Vượt lên những thiệt thòi

Dù là bộ môn Olympic lâu đời, bắn súng thường xuyên bị loại khỏi chương trình thi đấu của các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Năm nay, với lý do không có lực lượng vận động viên và hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu tổ chức, các tuyển thủ bắn súng Việt Nam lại thêm lần lỡ hẹn với SEA Games.

Sau tấm huy chương vàng Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nhiều lời hứa hẹn đã được đưa ra, như sẽ cải thiện địa điểm tập luyện, cung cấp đầy đủ đạn cho các xạ thủ. Thế nhưng, các vận động viên vẫn phải luyện tập ở trường bắn bia giấy suốt sáu năm ròng. Mãi đến thời điểm Đại hội được tổ chức trên sân nhà, Việt Nam mới đầu tư trường bắn hiện đại. Tuy nhiên, có súng mà thiếu đạn cũng không giải quyết được bài toán về chuyên môn.

"Ngay sau SEA Games 31 vào tháng 5, toàn đội lại phải chịu cảnh thiếu đạn. Thậm chí, trong giai đoạn đầu năm nay, chúng tôi còn chẳng có viên nào, do chưa mua được đạn của năm 2023. Muốn nâng cao thành tích chuyên môn, một xạ thủ phải được bắn khoảng 1.000 viên trong mỗi buổi tập. Hiện tại, mỗi người cũng chỉ được bắn gần 100 viên thôi", bà Vũ Anh Đào, Phụ trách bộ môn bắn súng (Tổng cục Thể dục-Thể thao), chia sẻ.

"Nếu tình trạng này cứ mãi tiếp diễn, dù có tuyển được vận động viên trẻ tiềm năng, các em cũng lựa chọn bỏ tập chỉ sau vài tháng vì không có đạn. Điều này đồng nghĩa thành tích của bắn súng Việt Nam có thể sẽ giảm hơn nữa trong những năm tới đây". Ở kỳ Olympic 2020, chúng ta không thể giành vé chính thức mà phải tham dự qua vé mời.

Cùng mang nỗi buồn không được tham dự SEA Games 32 với các xạ thủ còn có các thành viên Đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Việt Nam. Đây được xem là thiệt thòi lớn với các cô gái so những người đồng nghiệp nam (Đội tuyển thể dục dụng cụ nam vẫn tham gia thi đấu tại Đại hội), đặc biệt nếu nhìn vào bảng kế hoạch chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng của cả đội xuyên suốt trong năm nay.

"SEA Games được xem như đấu trường vừa sức, không chỉ giúp các vận động viên có cơ hội giành thành tích cao mà còn được tận dụng như bước đệm hướng tới những giải đấu lớn. Dù không thể tham dự Đại hội, toàn đội vẫn nỗ lực hướng đến các sự kiện quốc tế khác, như Cúp thế giới diễn ra ở bốn châu lục, ASIAD 19 và đặc biệt là vòng loại Olympic", huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Sau khi tham dự Cúp thế giới mới được tổ chức tại Ai Cập trong tháng 4, các vận động viên sẽ tranh tài tại Giải vô địch châu Á và giải trẻ châu Á vào tháng 5. Đặc biệt, ASIAD 19 (diễn ra vào tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc) và Giải vô địch thế giới (được tổ chức ở Bỉ vào tháng 10) được xem như hai nhiệm vụ trọng tâm, lần lượt thể hiện ước muốn vươn tầm châu lục và hy vọng tìm kiếm những suất tham dự Olympic 2024.

Hoàn cảnh có phần trái ngược của hai đội tuyển bắn súng và thể dục dụng cụ nữ hiện nay phần nào khắc họa bức tranh lớn hơn. Với nguồn ngân sách trung bình từ 700 đến 800 tỷ đồng cấp cho thể thao, khoản tiền này chủ yếu chỉ đủ chi tiền ăn và tiền công đi thi đấu nước ngoài cho hàng nghìn vận động viên. Tương ứng, tiền mua sắm trang thiết bị tập luyện (như súng, đạn, thảm tập, giày, quần áo...) cực kỳ hạn chế. Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội có dành hai tỷ đồng mua đạn cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu.

Trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Đỗ Văn Bình khẳng định: "Liên đoàn sẽ phối hợp với Nhà máy quốc phòng Z113 nghiên cứu, sản xuất đạn thể thao nội địa, nhằm phục vụ quá trình tập luyện và thi đấu của các vận động viên. Không những vậy, chúng tôi cũng đang tìm thêm nguồn tài trợ, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa để có thêm nguồn lực phát triển bộ môn này".

Tại Cúp bắn súng châu Á 2023, tám vận động viên đã mang về hai huy chương bạc, hai huy chương đồng và nhất là tấm huy chương vàng ở nội dung 10m súng ngắn nữ của Nguyễn Thùy Trang. Theo nhận định của huấn luyện viên Hoàng Xuân Vinh, Việt Nam đang sở hữu lực lượng tài năng trẻ đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua giành huy chương tại ASIAD cũng như giành vé tham dự Olympic.

Còn với các vận động viên nữ thể dục dụng cụ, sự thiệt thòi khi không được tham dự SEA Games 32 cũng mang đến thêm thời gian tập luyện và hoàn thành các bài thi đấu. Điều này cũng giúp Ban huấn luyện không phải căng thẳng tính toán, do thời điểm diễn ra Đại hội có thể trùng với lịch thi đấu Giải vô địch châu Á và Giải trẻ châu Á cũng diễn ra trong tháng 5.

Việc các vận động viên liên tục được cử đi thi đấu, cọ xát trong thời điểm này không chỉ giúp chính bản thân họ có điều kiện rèn luyện tâm lý, nâng tính ổn định của bài thi, mà còn cho thấy sự nỗ lực trong việc xây dựng kế hoạch năm của Ban huấn luyện Đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Việt Nam. Mục tiêu trước mắt sẽ là phấn đấu lọt vào đến vòng chung kết ở các giải châu lục. Kế đến, dĩ nhiên là việc cố gắng cải thiện thứ hạng và tích lũy điểm số nhằm giành vé tham dự sân chơi lớn Olympic.