Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao phối hợp Văn phòng Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế giới thiệu phương pháp và thực tiễn tốt xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Kể từ khi cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam đã tham gia rà soát cả ba chu kỳ vào các năm 2009, 2014 và 2019. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III với nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra nhận định, điều này cho thấy Việt Nam luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR, cam kết mạnh mẽ đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tham gia hiệu quả cơ chế UPR được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị của UPR tác động tích cực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền thụ hưởng các quyền con người, chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Kể từ khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III năm 2019 đến nay, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là nền tảng cam kết chính trị cao nhất để bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đại hội XIII đưa ra cách tiếp cận mới về phát triển con người toàn diện, coi tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực quan trọng nhất của đất nước. Đây cũng là cách tiếp cận dựa trên quyền con người mà LHQ cùng nhiều nước sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển.
Thế giới tiếp tục đối mặt một loạt thách thức như xung đột, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, bất ổn an ninh, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia và đặc biệt là đại dịch Covid-19. Đây là những yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ và kết quả hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ. Việt Nam, đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, chịu tác động không nhỏ từ bối cảnh chung của toàn thế giới.
Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm triển khai các khuyến nghị UPR và xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. Đại diện một số bộ, ngành của Việt Nam giới thiệu về tiến độ triển khai, cũng như những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị UPR. Bộ Ngoại giao cho hay, từ nay đến cuối năm 2021 tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và chuyên gia, trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo giữa kỳ tự nguyện và gửi đến Hội đồng Nhân quyền LHQ. Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh các cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của LHQ, ủng hộ nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đối thoại thực chất, hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quyền con người.