Trong quá trình thực hiện sản xuất thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã phát triển được các phương pháp tiên tiến giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị, đồng thời giảm tiêu thụ nước và năng lượng. Trong chuyến công tác Việt Nam, Bộ trưởng Jacob Jensen cho biết: “Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm này và truyền cảm hứng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Việt Nam. Sự đồng thuận về những chương trình tiếp theo là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên, khi chúng ta không những có những nhu cầu và lợi ích chung mà quan trọng hơn là cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn chung về một hệ thống thực phẩm bền vững và có khả năng chống chịu mọi tác động từ bên ngoài”.
Theo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm là một nội dung quan trọng của Chương trình Hợp tác chiến lược về thực phẩm (SSC Food) được các cơ quan phụ trách của Việt Nam và Đan Mạch cùng thực hiện. Giai đoạn hai của chương trình SSC Food diễn ra từ tháng 4/2020 đến tháng 4 vừa qua, tập trung vào các lĩnh vực chính như nâng cao năng lực cán bộ địa phương trong toàn bộ các bước của chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, chống kháng kháng sinh (AMR), kiểm soát thức ăn chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm không an toàn.
Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, Đan Mạch là một trong số các nước Liên minh châu Âu (EU) có mức xuất khẩu bình quân sang Việt Nam cao nhất. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam.
Bộ trưởng Jensen nhấn mạnh: “Mặc dù Việt Nam và Đan Mạch cách nhau xa về mặt địa lý nhưng chúng ta đều đang phải đối mặt những thách thức giống nhau. Chúng ta cần phải tiếp tục hợp tác để sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và thông minh để nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững”.