Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Vị tướng vĩ đại nhất thế kỷ 20

Trước câu hỏi “Ai là vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20”, TS Shankar Acharya (trong ảnh), GS danh dự tại Hội đồng nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ (ICRIER) và là cựu cố vấn kinh tế của Chính phủ Ấn Độ đã không ngần ngại chỉ ra rằng: Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo TS Acharya, “chỉ cần nhìn vào cuộc đời hoạt động của ông là có thể khẳng định được điều đó”. 

Ảnh: BUSINESS STANDARD
Ảnh: BUSINESS STANDARD

Vị tướng quân đội nào xuất sắc nhất thế kỷ 20 là một trong những đề tài bàn luận yêu thích giữa những người say mê lịch sử quân sự thế giới. Trong bài viết xuất bản ngày 8/7 trên tờ Business Standard của Ấn Độ, TS Acharya viết rằng: “Giữa những “người khổng lồ” về quân sự trên thế giới, ứng cử viên của tôi cho vị tướng xuất sắc nhất của thế kỷ trước đến từ một quốc gia châu Á nhỏ bé, tôi đề cập đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào cuộc đời hoạt động của ông là có thể khẳng định điều đó”.

“Tướng Giáp đã xây dựng quân đội từ 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ năm 1944 thành một đội quân đáng gờm. Những chiến thắng của quân đội đó chủ yếu nhờ các kỹ năng ngoại giao và hậu cần phi thường của Tướng Giáp cùng với vận dụng sự chuyển dịch địa - chính trị lúc bấy giờ”, vị TS đã tốt nghiệp Trường đại học Harvard chia sẻ. “Tướng Giáp vẫn nắm quyền điều hành quân đội trong suốt 30 năm sau đó, dù có thắng có thua trong các trận chiến, nhưng ông đã thành công trong việc đánh bật quân Pháp vào năm 1954 và sau đó là người Mỹ vào năm 1975 khỏi Việt Nam và Đông Dương…”. 

Lý giải chiến thắng vĩ đại đầu tiên của Tướng Giáp tại Điện Biên Phủ, TS Acharya viết: “Người Pháp cảm thấy những ngọn đồi là nơi trú ẩn an toàn trước lực lượng Việt Minh đang tiến công, vì họ tin rằng đội quân của Tướng Giáp không có pháo và nếu có cũng không thể vận chuyển những khẩu pháo hạng nặng lên đỉnh đồi khi không có đường. Tướng Giáp đã chứng minh rằng, họ đã sai cả hai điều trên”. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh của ông đã gây bất ngờ cho lực lượng Pháp tinh nhuệ bằng cách bao vây họ. Đào hàng trăm km hào, quân và dân Việt Nam đã kéo được trọng pháo qua núi sâu, đèo cao rồi từ từ khép chặt vòng vây. Ở phía trên đỉnh đồi, các khẩu pháo được ngụy trang để bảo vệ chúng khỏi các cuộc tiến công từ đường không của Pháp. Trận đánh dữ dội 56 ngày kết thúc bằng việc người Pháp đầu hàng vào ngày 7/5/1954.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) mà các sử gia nước ngoài coi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. “Thời gian này, họ (Mỹ) đã thả nhiều bom xuống đất nước nhỏ bé nghèo nàn này hơn tất cả số bom do các lực lượng Đồng minh sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai”, TS Acharya lưu ý. Năm 1968, Hà Nội phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Chiến dịch đã gây tiếng vang lớn, đánh bại Mỹ về mặt chiến lược và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân phản đối chiến tranh tại Mỹ và các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, buộc Mỹ phải ngừng ném bom miền bắc, ngồi vào bàn đàm phán và dần rút quân khỏi Việt Nam. 

TS Acharya nhấn mạnh rằng: “Có lẽ đóng góp lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai là việc ông giám sát 20.000 km đường mòn xuyên rừng, được mệnh danh là Đường mòn Hồ Chí Minh, chạy từ miền bắc vào miền nam Việt Nam qua Lào và Campuchia. Đó là một chiến dịch đáng kinh ngạc, được xây dựng và bảo trì với số lượng máy móc khiêm tốn, thường xuyên hứng chịu các cuộc ném bom liên tục cũng như các cuộc tiến công của quân đội Mỹ… Như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết thúc gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954 và sau đó tiếp tục chiến thắng siêu cường hùng mạnh nhất thế giới vào năm 1975 để thống nhất nước Việt Nam độc lập. Vị tướng nào khác của thế kỷ 20 đã làm được nhiều hơn thế?”.