Đề cao ý nghĩa của sự kiện, Đại sứ Romania tại Việt Nam, bà Cristina Romila cho biết, hoạt động gặp mặt năm nay không chỉ nhằm giúp tăng cường gắn kết giữa những nhà ngoại giao quốc tế với đồng nghiệp Việt Nam, mà còn đề cao vai trò và đóng góp của các nhà ngoại giao nữ. “Đây là dịp giúp chúng tôi thêm gắn kết, cũng là cơ hội để cùng tìm hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, nơi tôi đang sống và làm việc”, Đại sứ Cristina Romila chia sẻ. Bà Romila là một trong những nhà ngoại giao đã có thời gian dài công tác và gắn bó với Việt Nam.
Đại sứ đánh giá cao những trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về con người, truyền thống Việt Nam như biểu diễn rối nước, các món ăn và trò chơi dân gian... Theo bà, văn hóa đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia, giữa nhân dân các nước. “Chương trình góp phần tăng cường vai trò của nhà ngoại giao nói chung và những nhà ngoại giao nữ nói riêng. Nhân cơ hội này, tôi cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc trao quyền cho phụ nữ, những chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho lĩnh vực này trong thời gian tới”.
Các nhà ngoại giao nữ, phu nhân đại sứ các nước và ngoại giao đoàn cũng tham gia hưởng ứng Tết trồng cây, một hoạt động truyền thống có ý nghĩa mỗi dịp đầu năm của Việt Nam. Các đại biểu còn được trải nghiệm không khí chợ quê Đồng bằng Bắc Bộ cùng một số trò chơi dân gian truyền thống, đặc biệt là tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước trong khuôn viên Bảo tàng Múa rối nước tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hòa vào dòng người tham quan, Đại sứ Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou bày tỏ ngạc nhiên, khi bảo tàng nhỏ nhắn trong khuôn viên một khu du lịch nhưng sở hữu một bộ sưu tập rối nước rất đẹp và thể hiện bàn tay khéo léo, cần mẫn của những người thợ thủ công Việt Nam.
Đại biểu ngoại giao quốc tế hưởng ứng Tết trồng cây. |
Đại sứ chia sẻ những ấn tượng riêng khi có dịp tìm hiểu không gian trưng bày tại đây: “Đã là năm thứ hai tôi làm việc tại đất nước xinh đẹp này, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với văn hóa Việt Nam. Đất nước chúng tôi ở châu Âu và vì vậy hiếm khi có cơ hội trải nghiệm loại hình văn hóa cụ thể là múa rối nước. Bên cạnh đó, tôi còn có một cảm giác quen thuộc trong chuyến đi này. Ở Belarus, chúng tôi làm việc chăm chỉ và người dân rất thân thiện. Con người Việt Nam cũng vậy, người Việt Nam chăm chỉ, thân thiện và rất hiếu khách. Đó là sự kết nối giữa hai quốc gia chúng ta”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và phu nhân Vũ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, đã cùng đoàn ngoại giao khai trương khu Vườn Ngoại giao, trồng cây xanh để góp phần gìn giữ, bảo tồn vùng đất văn hóa cổ của Việt Nam; cùng trải nghiệm các trò chơi dân gian, hòa mình vào phiên chợ quê vùng Bắc Bộ, ngược dòng về với văn hóa múa rối nước; cùng thưởng thức tinh hoa ẩm thực truyền thống của ba miền Việt Nam và thưởng thức vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, nhằm giới thiệu với các bạn về văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng, trung tâm văn hóa của miền bắc Việt Nam.
Hoạt động gặp mặt Đoàn Ngoại giao diễn ra ngay sau khi Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC) ngày 9/4 đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Theo đó, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của LHQ về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình gặp mặt Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội với sự tham gia của các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, phu nhân và phu quân, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, cán bộ nữ của ngoại giao đoàn tại Hà Nội; cùng với nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, Mạng lưới các Đại sứ...