Châu Âu tăng tốc ứng phó ô nhiễm môi trường

Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua các quy định nghiêm ngặt nhằm ứng phó ô nhiễm môi trường, gồm cơ chế chứng nhận liên quan hoạt động lưu trữ carbon trong lòng đất và luật hạn chế khí thải methane từ dầu mỏ, khí đốt, than đá.
0:00 / 0:00
0:00
Dự luật mới của EP siết chặt hoạt động phát thải khí carbon. Ảnh: THE COEXPERT
Dự luật mới của EP siết chặt hoạt động phát thải khí carbon. Ảnh: THE COEXPERT

Mở rộng giao dịch tín chỉ carbon

Dự luật về hoạt động lưu trữ carbon vừa được EP thông qua với 441 phiếu ủng hộ, 139 phiếu chống và 41 phiếu trắng, vốn được các nhà lập pháp và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất từ cuối tháng 2/2024, quy định việc hài hòa các tiêu chí về lưu trữ carbon ở châu Âu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, mở rộng phạm vi giao dịch tín chỉ carbon. Luật có tác động tới các hình thức khử carbon khác nhau, bao gồm dùng công nghệ để lưu trữ carbon vĩnh viễn, lưu trữ carbon trong các sản phẩm lâu bền và nông nghiệp carbon. Từ đó, luật hướng tới tăng cường sử dụng các hình thức khử carbon và cải thiện năng lực của EU trong việc định lượng, giám sát và xác minh các hoạt động khử carbon nhằm ngăn chặn từ sớm các hành vi “tẩy xanh”.

Đối tượng chủ yếu là các công nghệ mới nhằm thu giữ khí thải carbon tại các khu công nghiệp nặng như nhà máy sản xuất thép và xi-măng, trước khi đưa khí carbon vào sâu dưới lòng đất trong thời gian dài. Dù vậy, tín chỉ carbon cũng sẽ được cấp cho các công trình xây dựng bằng gỗ có tuổi thọ ước tính tối thiểu 35 năm và cho các hoạt động nông nghiệp giữ carbon trong đất, thảo nguyên, rừng và đầm lầy nhiều than bùn. Các biện pháp khuyến khích giảm lượng khí thải methane từ chăn nuôi hoặc từ chất thải động vật thông qua thay đổi nguồn cung cấp thực phẩm sẽ được đưa ra trong bản cập nhật vào năm 2026.

EP cũng vừa thông qua luật giảm lượng khí thải CO2 từ xe tải, theo đó yêu cầu phần lớn xe tải hạng nặng được bán ở EU từ năm 2040 phải là loại không phát thải khí CO2. Luật sẽ mở đường thực thi quy định cắt giảm 90% lượng khí thải CO2 từ các phương tiện hạng nặng mới vào năm 2040, có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ phải bán một phần lớn xe tải hoàn toàn không phát thải CO2, để bù đắp cho các phương tiện phát thải CO2 còn tồn đọng. Để ngành vận tải hoạt động phù hợp mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của EU, các nhà sản xuất phải giảm 45% lượng khí thải CO2 của xe tải vào năm 2030 và 65% vào năm 2035; xe bus đô thị mới phải không phát thải vào năm 2035. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi tất cả quốc gia thành viên EU thông qua.

Hạn chế khí thải methane

Các nhà lập pháp EU cũng vừa thông qua một điều luật về giới hạn phát thải khí methane đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt vào châu Âu từ năm 2030, qua đó buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 này. Quy định giới hạn mới với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt là một phần của đạo luật đầu tiên tại EU nhằm cắt giảm lượng khí thải methane, gồm lượng khí thải methane phát thải từ hoạt động khai thác dầu mỏ, khí hóa thạch, than đá và khí methane sinh học khi được bơm vào hệ thống khí đốt.

Theo đó, đối với ngành dầu mỏ và khí đốt, các đơn vị khai thác phải phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane. Các hãng phải nộp quy trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane cho các cơ quan quản lý quốc gia trong vòng chín tháng kể từ ngày quy định có hiệu lực, thực hiện khảo sát phát hiện và sửa chữa rò rỉ lần đầu tại các địa điểm hiện có trong vòng 12 tháng. Với than đá, các nước EU phải liên tục đánh giá và báo cáo lượng khí thải methane từ việc vận hành các mỏ trên mặt đất và dưới lòng đất.

Do nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU nên các nhà lập pháp cũng nhất trí đặt ra các yêu cầu khắt khe đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ đầu năm 2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh tương ứng ở cấp độ sản xuất. Luật mới cần được Hội đồng châu Âu (EUC) thông qua trước khi đăng trên Công báo chính thức EU và có hiệu lực sau đó 20 ngày.