Vết thương

Thái ngẩn người trước ban công phòng làm việc. Chậu cây vợ vừa tất tưởi bê về nhà để lại khoảng trống. Đế chậu hình tròn in xuống nền gạch cũ từng gợn đất, gợn nước cùng năm tháng hòa nhau bàng bạc.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Cái cây giờ đắt giá lắm rồi. Lại có người nói, chính con sư tử mới thật đáng giá. Nó là tác phẩm thủ công của một nghệ nhân nổi tiếng, nay đã sang nước ngoài, người ta vừa đăng tải thông tin mô tả, kiếm tìm độc bản từng vì một lý do nào đó bị lẫn vào lô hàng bình dân đại trà. Nhưng ngần ấy thông tin vẫn chưa thật sự khiến mọi thứ đảo lộn, cho đến khi Kiên - đồng nghiệp cũ - sốt sắng điện thoại, đến tận cơ quan đòi Thái trả lại cây sanh dáng huyền ôm lấy con sư tử gốm.

“Thật trơ trẽn, không biết điều”, “Ngót hai mươi năm, không có anh chăm sóc uốn tỉa, cái cây còn không mà đòi?”… vợ Thái bức xúc cũng có lý lắm. Tiện gần nhà, gần ngõ, thị quày quả sang ngay cơ quan chồng, bê thốc cái cây đi, leo tiếp năm tầng nhà, đặt hẳn lên sân thượng.

Không hẳn Thái chỉ nghĩ về cái cây mà anh nhớ khu nội trú ngày xưa. Nhà nào cũng có những chậu hoa mười giờ hồng rực, những hộp xốp trồng rau, trồng chanh, trồng ớt. Thuở ấy, đồng nghiệp đều đã có gia đình, mỗi Thái chưa vợ. Chính sách hỗ trợ lưu trú đầy nhân văn của cơ quan giúp bao nhiêu gia đình đoàn tụ. Có người đón vợ con từ quê lên. Có gia đình bên bờ vực tan vỡ như nhà Kiên thêm cơ hội hàn gắn. Vợ Kiên, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, công việc ổn định, bởi xa mặt cách lòng, chịu cảnh chồng phản bội đã bồng bế bé My từ trong nam ra tận ngoài này. “Mẹ con chị cứ ở đây, không phải lang thang đâu cả, nếu anh ấy còn gây chuyện, đã có em và mọi người”, giọng Thái đầy tin cậy.

*

“Chú ơi! Đây là cây gì?”; “Là rau đắng, mẹ cháu vừa ươm để sau này đãi cả khu mình món cháo cá đặc sản đó mà”; “Sao bố cháu lâu về thế?”; “Bố đi công tác với các bác trong cơ quan”; “Chứ không phải bố không yêu mẹ, không yêu My nữa nên không muốn về à?”… Ngày nào Thái cũng chuyện trò với bé My. Cả ngày học ở trường mẫu giáo, chiều chiều cô bé lại tha thẩn ở ban công đợi bố mẹ về. My bốn tuổi, mắt tròn xoe long lanh, miệng líu lo mà nhiều câu nói thơ ngây khiến người lớn thắt dạ thắt lòng.

Thông tin các gia đình trong nội trú sẽ phải rời đi bay nhanh hơn gió. Nhưng vì sao? Rõ ràng cơ quan đã có cơ chế riêng, được tự chủ trong việc quản lý khu nhà này? Xôn xao, xì xào và cơ man đồn đại. Nào đấy là ý của một vài nhân sự đương chức, muốn cho thuê cả khu để tăng nguồn thu. Nào chẳng qua là sự ngứa mắt của những người trước đây chưa kịp hưởng ưu đãi thì đã tự lăn lộn, tự mua nhà… Những đứa trẻ lớn chút, nghe người lớn nói gần nói xa đã bắt đầu thu vén, xếp dần quần áo đồ đạc, ngó nghiêng còn gì dễ quên, dễ sót. Mỗi My cứ trong veo, lí lắc sáng chiều.

“Này thì chơi, này thì nghịch…”; “Ai cho con xuống sân, ai cho con đụng vào đồ của người khác”… Tiếng quát mắng của Kiên làm Thái bật dậy. Chạy sang đã thấy bé My nước mắt lưng tròng, khoanh tay, úp mặt vào tường thút thít. Thì ra, lúc anh về phòng, thấy bố mẹ vẫn chưa về, My xuống sân ngóng, rồi mon men sang hàng gốm sứ bên cạnh xem lọ xem bình. Tò mò, nhỡ tay thế nào làm rơi một con sư tử gốm, vỡ ra mảng nhỏ. Bà bán hàng trách mắng đúng lúc Kiên về. Kiên hỏi giá tiền, đền đúng thế rồi lôi con bé về, cho một trận. Vợ Kiên đỏ hoe mắt, cúi mặt trong bếp không hé răng nửa lời, Thái ôn tồn khuyên nhủ rồi kéo My vào lòng. Chẳng qua Kiên giận cá chém thớt. Cuộc hôn nhân có hàn gắn cũng chẳng lấy gì làm vui khi lời hẹn thề với ai kia còn dang dở. Lại thêm chuyện cơm áo, mưu sinh. Nếu rời khu nội trú, với đồng lương còm cõi của cả hai, lấy đâu tiền thuê nhà, trang trải.

*

Chiều đi làm về, Thái thấy bé My đợi anh trước cửa, đôi tay nhỏ bé nâng niu con sư tử, giọng thỏ thẻ: “Chú làm cách nào gắn vết thương giúp con”. Kỳ cạch hồi lâu, nào băng keo, nào đất sét, mầu vẽ… chẳng ăn thua, đầu Thái bỗng lóe lên ý nghĩa khác lạ, bèn dắt My ra ban công. “Đây nhé, sẵn cái chậu này rồi, chú cháu mình đặt bạn sư tử vào đây, ta sẽ ra rãnh nước đằng kia nhổ một cái cây bé tí, trồng vào chỗ này này, cây lớn lên sẽ uốn qua miệng sư tử. Rồi cành, rồi lá, rồi bao nhiêu mầm chồi sẽ che kín vết thương”, Thái dỗ dành. My cười tít mắt, vỗ tay liên hồi: “Hay quá! Thật là hay quá đi!”.

Cả khu chuyển đi, mỗi nhà một ngả. Kiên muốn mẹ con My trở vào nam nhưng cô bé mếu máo, nắm chặt tay bố đòi ở lại. Hoàn cảnh Thái không đến nỗi, một thân một mình, đâu chẳng là nhà. Chỉ thương các nhà, người lớn lăn lộn lo toan, trẻ con thì bần thần, ngơ ngác. Chợt anh phát hiện chậu cây có con sư tử vẫn nguyên chỗ cũ. Thái bấm điện thoại gọi Kiên: “Bé My quên cái cây, để em mang đến cho cháu!”. Giọng Kiên bực dọc: “Khỏi, người còn chả lo nổi nữa là cây”. Những ngày sau đó, thi thoảng lắm, có việc gì cần Thái mới qua nhà Kiên. Thường sẽ không gặp My bởi cô bé học ở trường từ sáng tới chiều. Thái mang chậu cây đặt trước phòng mình.

Cây lớn nhanh, chả mấy đã phải thay chậu, thêm đất, kê đôn. Anh luôn nhớ tới bé My. Tưởng tượng bé đã cao ngần nào, tóc dài tới đâu rồi thầm ước giá mình có con gái dễ thương như thế. Anh mong có thể chuyện trò, để khoe với My cái cây đã lớn từng ấy, vết thương được che kín hết rồi, ngọn cây cứ vươn mãi lên cao, thẳng tắp, còn thân thì uốn lượn như sóng biển.

*

“Chú cho cháu nó xin lại cái cây, dù gì cũng là kỷ niệm. Con bé từng rất thích, chú biết mà”, lời Kiên nói vang vất mãi trong đầu óc Thái. Chẳng khó gì việc trả lại cái cây. Nó trị giá bạc tỷ hay chẳng đáng gì cũng thế thôi, vì Thái đâu mảy may ý định bán đổi. Cuộc giằng co này thuộc về vợ Thái và Kiên. Vợ Thái chẳng biết gì cây cối hoa lá, nhưng vừa nghe đồn thổi đã tự cho mình quyền sở hữu với lý lẽ “của chồng công vợ”. Kiên, dù vẫn công tác cùng cơ quan nhưng như mặt trăng mặt trời với Thái, nay suốt ngày sang uống trà, tâm sự. Kỷ niệm, tuổi thơ, tình đồng nghiệp, tình chú cháu… liên tục Kiên mang ra rủ rỉ. Khó xử quá, biết làm thế nào và bằng cách nào? Thái không dứt khoát ngay được.

Thái muốn gọi cho My. Nếu My vẫn thích cái cây này thì chuyện hết sức đơn giản. “Anh điên rồi, cái cây của con bé xem như đã chết, chết từ cái ngày tất cả mọi người rời khu nội trú và bao nhiêu lần giục giã, bố mẹ nó chẳng thèm mang về”, vợ Thái gào lên, dằn bát cơm trong bữa tối. “Chú không cần hỏi cháu làm gì, ý anh là ý nó”, Kiên đáp cụt ngủn qua điện thoại. Mọi ngăn trở chỉ càng khiến Thái nhớ về ký ức, nhớ bé My lí lắc năm nào. Rồi tự cảm thấy mình có lỗi. Bao năm qua chẳng hỏi han, chia sẻ gì với cô bé. Mỗi kỳ cơ quan đi nghỉ mát, Thái đứng xa xa nhìn. My bám mẹ, như thể khi cả nhà bị đẩy ra cuộc sống ngoài kia, thế giới chỉ còn có mẹ. Rồi cô bé lớn dần, ngại ngần bẽn lẽn chào chú. Có lần, Thái đang lúng túng chăm sóc con trên bãi biển, một giọng nói vang lên phía sau lưng: “Chú làm thế sai rồi, chú để con!” Anh ngoái lại, My ra dáng thiếu nữ, tóc dài buông xõa, nhưng ánh mắt vẫn trong veo lấp lánh.

*

Bây giờ, My đang ngồi trước mặt người chú. Nghe đâu My sắp du học. Thái đoán, bố đã về nói chuyện với My. Im lặng bao trùm căn phòng nhỏ. Ngày My còn nhỏ, hai chú cháu ríu rít suốt ngày, giờ ai cũng cảm thấy khó khăn khi mở lời. Thái quyết định phá vỡ bầu không khí ấy: “My này, cái cây ấy mà, cô đã mang về nhà rồi nên My chưa ngắm được. Giờ nó lớn lắm rồi, con sư tử thành ra bé tí. Nhưng nó vẫn có cái uy dũng không dễ bề khuất lấp. Giờ chú đưa My sang nhà, chú cháu mình xem cây”. My nhoẻn môi cười khẽ, mắt hơi ươn ướt. Thái định đứng lên thì My ngăn lại: “Khoan đã chú! Con muốn nghe chú kể chuyện chăm cây…”. Khoảnh khắc ấy, Thái không kìm lòng được. Chưa ai hỏi Thái điều này. Cả vợ, cả Kiên, tất cả mọi người đều thế. Ngày xưa, cây nhỉnh hơn que tăm, nhổ lên còn nguyên rêu bám. Mỗi ngày, Thái tưới nước, bắt sâu, uốn tỉa... và quan trọng nhất, Thái chuyện trò. Anh tin những cuộc chuyện trò khiến cây lớn thêm, có hồn có vía. Trong những giấc mơ, anh nghe lời cây, lời sư tử gốm vừa gọi mình, vừa gọi bé My. Thái cũng tin nếu My còn nhớ cây, nhớ khu nội trú, sẽ nghe được những lời thủ thỉ.

“Chú sẽ gửi lại con cái cây, con giữ hay làm gì tùy ý. Chú không băn khoăn gì đâu, con cứ vui vẻ thoải mái nhận về”, Thái ân cần nói. My im lặng, mắt ngân ngấn nước, hồi lâu sau mới có thể mở lời: “Điều quan trọng nhất với con, là vết thương đã lành, chú ạ! Con muốn được chú đưa đi thăm cây, chỉ thế là quá đủ”. Bỗng Thái thấy lòng mình vỡ òa. Bao trong trẻo xôn xao ngày xưa phút giây bỗng ắp đầy, dâng ngập.

Khu vườn nhỏ trên sân thượng nhà Thái ngát hương hoa nguyệt quế. My bần thần đứng trước chậu cây sừng sững oai phong, từng ngón tay khẽ khàng chạm vào sư tử gốm. Cây khác xưa nhiều, nhưng My vẫn nhận ra, bởi My nghĩ đến từng ngày và cây lớn dần trong mỗi giấc mơ. Vết thương trên đầu sư tử gốm được ôm ấp, che phủ từng lớp rễ mềm mại. Lớp rễ cũ đã thuần, rễ mới vẫn đơm đầy khao khát chở che, hàn gắn.