Vệt chớp trên nền trời sẫm

Ngày 20/3, lần đầu kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải sử dụng đến quyền phủ quyết tối thượng của mình.
0:00 / 0:00
0:00

QUYẾT định cứng rắn này, theo tuyên bố chính thức, là nhằm bác bỏ đề xuất của đảng Cộng hòa - phía đang nỗ lực ngăn chặn các nhà quản lý quỹ hưu trí đưa ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố như biến đổi khí hậu.

Ngày 1/3, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu (với tỷ lệ sít sao 50 phiếu thuận/46 phiếu chống) để lật ngược một quy định của Bộ Lao động. Quy định ấy giúp các nhà quản lý quỹ dễ dàng xem xét các vấn đề dựa trên tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đối với các quyết định đầu tư và quyền của cổ đông.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện - ông Chuck Schumer đã cáo buộc đảng Cộng hòa can thiệp vào các quyết định đầu tư tư nhân, với việc áp đặt quan điểm của họ lên doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cũng theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông ký quyết định phủ quyết bởi lo ngại: Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ gây rủi ro cho khoản tiết kiệm hưu trí của các cá nhân trên khắp nước Mỹ. Từ cuối năm 2022, Chính phủ Mỹ đã thực hiện đánh giá rủi ro về khí hậu và môi trường trên diện rộng, đối với các khoản đầu tư từ các quỹ tư nhân.

TRÊN bề mặt, việc Tổng thống Mỹ sử dụng quyền phủ quyết có thể xem là một động thái cứng rắn, nhằm bảo vệ mục tiêu (cũng là một trong những cam kết quan trọng được thể hiện ở cương lĩnh tranh cử của ông hồi cuối năm 2020) hoàn thành những kế hoạch thúc đẩy năng lượng sạch, hướng tới bảo vệ môi trường, làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Biden đã ký ban hành luật phát triển cơ sở hạ tầng năm 2021 và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022, đều bao gồm các ưu đãi lớn cho hoạt động sản xuất năng lượng không phát thải carbon.

Trong hai năm qua, Chính phủ Mỹ cũng giải ngân gần 500 tỷ USD trợ cấp, cho vay và ưu đãi thuế cho các chương trình sản xuất năng lượng tái tạo, phát triển giao thông cũng như các công nghệ thân thiện với môi trường. Theo Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, những chương trình ấy khiến các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài chú ý hơn đến nền công nghiệp này.

Nhưng không chỉ vậy. Từ ngày 22/11/2022, chính quyền của ông Biden đã ban hành quy định cuối cùng liên quan các quỹ hưu trí tư nhân, theo đó yêu cầu chủ lao động cân nhắc các yếu tố ESG, khi lựa chọn hình thức đầu tư từ nguồn tiền trích từ các quỹ này. Nói cách khác, đây là sự đảo ngược chính sách quỹ hưu trí của người tiền nhiệm Donald Trump.

Các quỹ hưu trí tư nhân ấy đang được đầu tư với giá trị lên tới khoảng 12.000 tỷ USD. Theo quy định ban hành năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Trump, chủ lao động khi đưa ra quyết định đầu tư chỉ cần xem xét các yếu tố tài chính. Bộ Lao động Mỹ cho rằng, quy định này không tính đến việc cân nhắc các yếu tố ESG đối với các khoản đầu tư dài hạn, nghĩa là không chú trọng vào đầu tư bền vững.

SONG, ở một tầng sâu hơn, việc Tổng thống Mỹ bắt buộc phải sử dụng quyền phủ quyết cũng gián tiếp thể hiện sóng gió chính trường Mỹ, trong thời điểm hiện tại.

Trên lý thuyết, đảng Dân chủ của ông Joe Biden vẫn đang kiểm soát Thượng viện, nhưng tỷ lệ số phiếu ngày 1/3 (đã nêu ở trên) cho thấy những khía cạnh khác. Nếu đặt cạnh việc Hạ viện đã "thuộc về" đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ thì chuyện các dự luật quan trọng bị ngáng trở tại Đồi Capitol đã trở nên "đầy tính khả thi".

Theo thông lệ, ở nửa sau của mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ (tức là trong chặng "chạy đà" cho cuộc đua bầu cử tổng thống kế tiếp), các "vách đá tài chính" có thể liên tiếp xuất hiện, không loại trừ cả khả năng chính phủ phải đóng cửa do thiếu kinh phí hoạt động.

Sau những vệt chớp lóe, sấm sét hoàn toàn có thể dậy lên…