Về nơi “con tôm ôm gốc đước”

Một ngày đầu năm 1999, lãnh đạo huyện Ngọc Hiển cùng cán bộ chủ chốt Lâm Ngư trường 184 (nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển) dùng con tôm và những sản vật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn đãi đoàn khách đến từ Đại sứ quán Thụy Sĩ. Sau đó, một dự án tài trợ nuôi tôm sinh thái kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng do Đại sứ quán Thụy Sĩ tài trợ đã được triển khai tại Lâm Ngư trường 184. Không lâu sau, tôm sinh thái nơi đây được cấp giấy chứng nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) thăm ngư cụ bắt thủy sản nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn.
Nông dân xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) thăm ngư cụ bắt thủy sản nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn.

Món nhà quê trở thành “hàng” xuất khẩu

Ngọc Hiển là một trong sáu huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, bao bọc chung quanh là biển, phía trong là thảm xanh bạt ngàn của cây rừng ngập mặn, phổ biến là các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt... Dưới những tán rừng ấy là không gian nước mặn để nhiều loài thủy sản (tôm, cua, cá, vọp, ốc len...) sinh sống tự nhiên. Đó cũng là những sản vật “nhà quê” của cư dân miệt rừng thường mang ra thết đãi mỗi khi tiệc tùng, khách khứa.

Từ ngày có được giấy “thông hành” của các tổ chức như EU, Hà Lan..., tôm sinh thái Ngọc Hiển bắt đầu hành trình “xuất ngoại” cho đến tận ngày nay. Diện tích vùng nuôi cũng được mở rộng từ vài trăm đến nay lên hàng chục nghìn ha. Đưa chúng tôi về tận khu rừng đước nuôi tôm sú của gia đình, ông Phan Hoàng Hôn, Trưởng ban công tác mặt trận ấp Nguyễn Quyền, có hơn 5,5ha nuôi tôm sinh thái ở xã Viên An (huyện Ngọc Hiển), cho hay: “Nuôi tôm sinh thái cũng giống như nuôi tự nhiên, chọn giống tốt rồi để nó tự kiếm ăn và lớn lên. Môi trường nước và chung quanh phải bảo đảm không ô nhiễm... Nhờ làm theo cách trên mà con tôm sạch ở đây có bao nhiêu bán cũng hết, con cá, con cua cũng toàn là đồ sạch”.

Gần đó, ông Lý Văn Tiến, Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Quyền, có 4ha nuôi tôm sinh thái trong chuỗi dự án của Tập đoàn Minh Phú đúc kết: “Khi thực hiện quy trình nuôi tôm sinh thái, sản phẩm tôm được doanh nghiệp bao tiêu, giá cao hơn 5.000 đ/kg so với tôm thông thường, lượng tôm giống thả nuôi ít hơn. Tổng thu từ con tôm năm 2021 được hơn 70 triệu đồng, tăng khoảng 30% lợi nhuận so với trước. Gia đình còn có thêm nguồn thu nhờ nuôi cua, sò, vọp... bằng với nguồn thu từ con tôm”.

Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn hơn 53.000ha nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, còn gọi là mô hình tôm-rừng hoặc “con tôm ôm gốc đước”. Trong số đó, có khoảng 49% diện tích đang triển khai nuôi tôm sinh thái, tập trung nhiều ở các xã Viên An, Viên An Ðông, Ðất Mũi... Chỉ riêng tại Viên An, sau hơn 1 năm triển khai dự án về nuôi tôm sinh thái, toàn xã đã có hơn 2.560ha của 560 hộ dân tại 9/11 ấp được cấp giấy chứng nhận tôm sinh thái, nâng tổng diện tích tôm sinh thái đã được công nhận của toàn huyện Ngọc Hiển lên hơn 9.000ha (1.800 hộ).

Phó Chủ tịch UBND xã Viên An, Trần Hiếu Giang cho biết: Quá trình nuôi tôm sinh thái, nhân dân trong xã phải xử lý nước bằng men vi sinh đạt chuẩn; gia đình không nuôi gia súc, gia cầm ô nhiễm; địa phương không cho nhà cầu, chuồng tồn tại trên sông; hằng tháng có cán bộ kỹ thuật xuống tận hộ dân kiểm tra; hộ nuôi phải có nhật ký nuôi tôm và bán tôm đúng nơi chỉ định...

Về nơi “con tôm ôm gốc đước” ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) trong một lần thực tế thu hoạch tôm sinh thái ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển.

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

Tôm Cà Mau đã có mặt ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm khoảng 1 tỷ USD. Tuy chưa chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản của tỉnh nhưng tôm sinh thái trở thành mặt hàng đặc thù “có một không hai” tại địa phương và cả nước. Mô hình trên được triển khai phổ biến đối với nông hộ nhận khoán đất rừng huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi. Đến nay, tổng diện tích đã được nhiều tổ chức quốc tế công nhận tôm sinh thái ở Cà Mau là hơn 19.000ha, với khoảng 4.200 nông hộ. Mục tiêu của Cà Mau đến cuối năm 2022 sẽ đạt 25.000ha, với khoảng 4.500 hộ, tổng sản lượng tôm sinh thái hơn 13.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, chia sẻ: Đặc điểm của mô hình nuôi tôm sinh thái chủ yếu là tôm sú, được thả giống và nuôi trong môi trường tự nhiên có độ che phủ của cây rừng từ 50-60% diện tích mặt nước và nuôi mật độ thưa. Tôm nuôi không được cho ăn thức ăn công nghiệp mà phải tự tìm thức ăn trong môi trường nước để sinh sống, phát triển. Tôm ít chịu sự tác động của con người và khoa học kỹ thuật. Chỉ đến khi tôm lớn, đạt trọng lượng theo yêu cầu thì người nuôi mới tiến hành thu hoạch.

Nhờ được nuôi trên vùng đất ngập mặn ven biển, được phù sa bồi đắp, nguồn nước không bị ô nhiễm, tôm sú sinh thái Cà Mau lớn con, thịt săn chắc, là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe con người và đáp ứng được thị hiếu “tôm sạch” của hầu hết khách hàng khó tính trên thế giới - ông Trung tiết lộ.

Cà Mau có hơn 290.000ha nuôi trồng thuỷ sản, với hệ sinh thái đặc thù đan xen: vùng rừng ngập mặn chuyên nuôi trồng thuỷ sản; vùng rừng tràm ngập ngọt kết hợp trồng lúa với nuôi cá đồng tự nhiên; vùng lợ (6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt vào mùa mưa) nuôi tôm kết hợp trồng lúa (mô hình lúa-tôm) theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Lợi thế về tự nhiên và đồng đất nhiều nơi không bị nhiễm chất độc hại nên gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng không tạo ra hiệu ứng phát thải nhà kính.

Tại miệt rừng Ngọc Hiển, tiếp nối Nghị quyết 05 của Huyện ủy, UBND huyện ban hành các chương trình hành động, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi trồng thủy sản nội địa bền vững giai đoạn năm 2021-2025. Ông Lý Hoàng Tiến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển cho hay: Lãnh đạo huyện chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để những người giữ rừng phát triển thủy sản bền vững, trong đó có mô hình đặc thù nuôi tôm sinh thái. Song hành đó là hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật, quy trình nuôi kết hợp các loại thủy sản khác gắn liền với chứng nhận tôm sạch Cà Mau, tạo thêm những sản phẩm đặc thù riêng để phục vụ khách tham quan và xuất khẩu.

Với hướng đi bền vững tương tự nhằm tạo chuyển biến mới trong kinh tế nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) ban hành nghị quyết và chương trình hành động chuyên về sản xuất lúa-tôm sạch, lúa-tôm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cho giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu của địa phương này đến năm 2025 có từ 95%-100% trong tổng diện tích nuôi tôm, trồng lúa của huyện sản xuất lúa theo quy trình lúa sạch và quy trình nuôi tôm sinh thái. Trong đó, có hơn 10.000 ha canh tác theo quy trình lúa-tôm hữu cơ.

Đồng chí Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chia sẻ: Xu hướng thị trường ngày càng chuộng nông sản an toàn, nông sản sạch. Vì lẽ đó, địa phương định hướng và hướng dẫn nông dân sản xuất phải theo quy trình, theo tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các thị trường tiêu thụ. Khi đạt được như thế thì nông sản của bà con sẽ có sự khác biệt, không lo thiếu đầu ra.

Nông nghiệp xanh ở Cà Mau gắn liền với nâng cao giá trị tôm-rừng, tôm-lúa để tạo thương hiệu tôm sạch, lúa sạch, lúa hữu cơ. Lãnh đạo tỉnh cũng đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch sinh thái, kết hợp các chương trình, sản phẩm gắn du lịch với các lợi thế của địa phương về môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu... nhằm tạo nên nét riêng và đặc thù của Cà Mau. Khi xây dựng được thương hiệu đặc trưng và tạo nên khác biệt, Cà Mau sẽ phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói và có lợi thế nhiều hơn trong xuất khẩu thủy sản - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt gợi mở.

Cà Mau đang thực hiện theo lộ trình để tạo nên “tăng trưởng xanh” trong tương lai. Đồng hành cùng nông dân và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực ở Cà Mau cũng đang quyết liệt trong xây dựng và phát triển vùng nuôi bền vững theo các chứng nhận quốc tế như Naturland, ASC, Selva Shrimp..., phấn đấu duy trì và giữ vững chất lượng các chứng nhận được cấp. Tuy nhiên, để đạt được các giá trị như mong muốn, vẫn còn nhiều trở ngại, rào cản cần tháo gỡ, đặc biệt về: hạ tầng phục vụ nông nghiệp; về cơ chế quản lý đất rừng ở các Ban quản lý rừng phòng hộ của Cà Mau, ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau: cần có quy hoạch lại rừng nào để phục vụ phát triển kinh tế, rừng nào cần bảo tồn... để thuận lợi trong kêu gọi đầu tư, giúp dân phát triển kinh tế rừng bền vững; về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho dân; có nhiều hơn những mô hình điểm thành công để dân tin, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận, đồng lòng...