Ham học hỏi, chỉ để làm thầy giáo họa cấp II và… vẽ!
Rất nhiều kỷ niệm vui và… chẳng có buồn tẹo nào nếu những khán giả đến thưởng thức loạt tranh hiếm này của Đồng Huy Biên và được gặp rất đông đảo những người bạn - đồng nghiệp hội họa của Đồng Huy Biên kể lại. Tuy từ khi tốt nghiệp cho đến khi qua đời, anh chỉ là một giáo viên hội họa cấp II và cũng ở duy nhất Trường THCS Thăng Long, 46A Nguyễn Văn Ngọc, Ba Đình, Hà Nội, nhưng bản tính hiếu học của anh mới là điều đáng nói.
Họa sĩ tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội khóa 1994-1997 ngành hội họa và đi dạy học chính thức ngay khi ra trường. Nhưng anh theo học tiếp ngay cũng khoa Sư phạm của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và tốt nghiệp năm 2002. Sau đó, anh lại học tiếp thạc sĩ cũng tại đó và tốt nghiệp 2007, mặc dù thực tâm anh cũng chẳng phấn đấu để dùng tấm bằng này, hay “phấn đấu vẽ” để làm gì ngoài… việc cứ là ông giáo
cấp II. Tính tình xởi lởi hiền lành, trong các khóa học, họa sĩ tất nhiên cũng có ngay thành quả là đủ các bạn vẽ ở mọi lứa tuổi. Bạn bè đặt biệt danh cho anh là Biên “trâu” để đề tặng sức khỏe của họa sĩ khi làm việc và khi tiệc tùng cụng chén nhưng rất kiệm lời, mỗi dịp tụ hội bàn về nghiệp họa… Tuy vẽ chăm, nhưng để triển lãm cá nhân khi còn sống thì anh cũng chưa bao giờ tổ chức. Thi thoảng triển lãm nhóm cũng do bạn bè, đàn em tích cực mời mọc để… thúc ông anh tham gia. Có hai triển lãm nhóm đích xác duy nhất anh từng tham gia, do bạn bè anh nhớ, là triển lãm “Polygon 1” (Đa giác) năm 2008 tại địa chỉ Maison des Arts - 31A Văn Miếu và “Polygon 2” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2011.
Tác phẩm “Đợi”. |
Những “dấu chân” trên sơn mài xưa
“Đến với tranh Biên, được lắng với khoảnh khắc của mùi cổ kính, nét mài giấu vào thếp bạc xưa, như thêu dệt cả bốn mùa. Ở đó không có sự níu kéo mà chỉ để thuận nghiệm ngây ngất lại những gì phong ba cuộc đời từng trải …”. Đây là một đoạn trong bản viết tự sự tâm tình của một người bạn đồng nghiệp trẻ in trong cuốn sách tranh “Đồng Huy Biên - Ở đây & bây giờ” nhân dịp triển lãm. Có lẽ nhận xét này cũng tổng kết được nhiều chiều trong dịp cảm nhận chung với những ai lần đầu tiên được xem tranh của Đồng Huy Biên.
Điều lạ để giải thích là mặc dù vẽ không ít, nhưng anh rất ít khi đem tranh tham gia các triển lãm. Người thân và bạn bè anh đều… gãi đầu gãi tai cả nếu ai hỏi kỹ về… năm sáng tác các tác phẩm trong “triển lãm cá nhân đầu tiên” này. Bởi không chỉ khá ít ký tên dưới các tranh, mà đến việc ghi ngày kết thúc sáng tác, anh cũng lười viết. Những bức được anh vẽ “cũ” nhất, bình dị, nhưng có nhiều nét dự cảm cô đơn trong tông mầu trầm trầm và… xa vắng. Thí dụ như bức “Phong cảnh I - II”. Rất nhiều bức tranh nhỏ mang tên “Ngõ” hay “Chiều về”, “Ngõ vắng” cùng một bố cục vẽ ngõ làng có dịch chuyển, nhưng đều đẩy cổng ngõ nghiêng nghiêng neo neo, xô lệch buồn buồn. Anh thể hiện “đặc một tông sáng tác” là vẽ như chơi chất liệu, không lấy bố cục hay “ý tưởng văn học - đồ họa” làm đích. Ở loạt tranh có điểm mút hiện thực này, họa sĩ khai thác chất sơn mài ta đến cùng với phong cách đồng quê và giản dị. Nói một cách khác, trông như những trang họa “nhật ký bằng thơ” với mục đích không dùng để in mà chỉ để… tự thưởng lãm. Ở loạt tranh mới hơn tiếp theo, vẫn là phong thái biểu hiện đi đến trừu tượng và cuối cùng là trừu tượng hẳn thì khá nhiều vẻ cảm xúc đa dạng được thoát ra. Chỉ khi bước đến trừu tượng hoàn toàn, sự thích thú và thẩm thấu nét, mảng sáng tưng bừng của tác giả mới bộc lộ hoàn toàn, như bức “Điểm sáng” hay tuyệt vời nhất ở bức “Ngẫu hứng”. Điều này được bạn bè bình khi xem tranh là: “Như có sắc mây tan cùng ánh mắt, nụ cười đến trong veo nhưng cưa cứa vào nỗi xưa…”.
Có những bức toát vẻ cô đơn nhưng tình tứ như “Đợi” hay “Tắm trăng”. Có những bức gợn ra trong sắc thái như “Phiền ngẫm” hay “Tan ca”.