Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa

Qua 65 năm, từ những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa với Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1945, cho đến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 vừa qua, ghi nhận những dấu ấn bảo tồn di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2024. Thêm nhiều ý kiến chuyên gia đã gợi mở từ bộ luật này.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thế hệ kế cận.
Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thế hệ kế cận.

Nhìn lại những năm qua, có thể thấy, các vấn đề thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển. Nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên được thế giới ghi danh cùng hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cấp quốc gia… đã được bảo vệ và phát huy tốt đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.

Còn nhiều khoảng trống...

Tuy vậy, sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy hơn 40 nghìn di tích và khoảng gần 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên thực tế còn tồn tại những bất cập và hạn chế. Việc thực hiện các điều luật bảo vệ di sản văn hóa ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm, chưa có sự chung tay của các cấp cũng như toàn xã hội.

Như theo dẫn chứng của PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đơn vị xây dựng thủy điện An Khê - Kanak đã không phối hợp khai quật di dời các di tích khảo cổ, để rồi một bộ phận di sản Tây Sơn - Thượng đạo nay vẫn còn chìm sâu trong lòng hồ thủy điện này. PGS, TS Tống Trung Tín cũng đưa thêm thí dụ về trường hợp xây dựng mới hoàn toàn trùm lên trên di tích khảo cổ như ở chùa Ngọa Vân (Quảng Ninh).

Các lĩnh vực khác như di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng… cũng đang đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc trên hành trình bảo vệ và phát huy. Một số di sản văn hóa phi vật thể dù đã được thế giới ghi danh nhưng công tác trao truyền đang có dấu hiệu chững lại do thiếu hụt đội ngũ kế cận cũng như kinh phí thực hiện, điển hình như ca trù, đờn ca tài tử, bài chòi… Nhìn trên bình diện cả nước, đang thiếu vắng loại hình bảo tàng khoa học kỹ thuật, một loại bảo tàng rất phát triển, rất được coi trọng ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, con số hơn 4 triệu hiện vật của 202 bảo tàng trên cả nước (cả công lập và tư nhân) là khá ít ỏi. Bởi hiện vật vừa là sức sống, vừa là tiềm năng để bảo tàng tồn tại và phát triển.

Cơ hội trong kỷ nguyên số

Về vấn đề quản lý di tích, PGS, TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Cục trưởng Di sản văn hóa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát việc trùng tu, có quy định chặt chẽ việc giám sát của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học tương ứng với các cấp độ di tích khác nhau, nhất là với các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia để có thể bảo vệ một cách tốt nhất giá trị của các di tích gốc theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định của Chính phủ, các Hiến chương và Công ước bảo vệ di sản của UNESCO.

Bảo tàng không tĩnh lặng, không là “đền thờ lịch sử” mà phải là một thiết chế năng động cho các mục tiêu khoa học, giáo dục và giải trí. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, bảo tàng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Theo đó, bảo tàng không chỉ trong bốn bức tường mà phải nối dài cánh tay đến cộng đồng và không chỉ trình bày những gì mình có, mà làm và nói cái mà công chúng cần.

Bên cạnh đó, tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong ba chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có nhiệm vụ thứ 6 đề cập đến việc “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc” và nhiệm vụ

thứ 7 nói rõ việc “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa”. Như vậy, di sản văn hóa cũng cần được bảo tồn và phát huy với tư cách là loại hàng hóa đặc biệt thông qua ngành công nghiệp văn hóa mà rõ nét nhất là ngành du lịch văn hóa. Từ bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, cần nhận thức rõ yếu tố kinh tế học di sản, để thông qua đó di sản văn hóa thật sự trở thành động lực phát triển đất nước. Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công tư đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Giúp cho di sản mang lại sinh kế để cộng đồng cộng sinh với di sản.

Hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là một lĩnh vực và một nghiệp vụ văn hóa khác biệt với các hoạt động văn hóa khác bởi nó được cấu thành bởi các bộ môn như lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất… Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Trần Lâm Biền mong rằng những người làm trong lĩnh vực di sản văn hóa cần phải hiểu biết nhiều và sâu sắc hơn nữa về chính đối tượng mà mình bảo vệ. Càng hiểu sâu bao nhiêu thì càng bảo vệ một cách chắc chắn bấy nhiêu và phát huy được các giá trị của di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được thực thi từ tháng 7/2025. Cần nhìn nhận thêm những vấn đề còn tồn tại từ thực tế để kịp thời sửa chữa, bổ sung và sự chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành văn hóa. Từ đó mới có thể góp phần đưa di sản văn hóa cũng như văn hóa Việt Nam trở thành một trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

GS, TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia góp ý, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Chương trình Ký ức thế giới (MOW) của UNESCO hiện nay chưa được ghi trong Luật Di sản văn hóa, chưa được luật hóa. Nên bổ sung trong mục “Di sản tư liệu” nhằm thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với các di sản tư liệu ở Việt Nam trong thời gian tới.