Giữ lại những khuôn mặt đại ngàn

Họa sĩ Mai Quý Ngọc sinh năm 1979, quê Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam, anh vẽ nhiều về mảnh đất Tây Nguyên, đặc biệt là về đồng bào Gia Rai, Ba Na. Theo dõi quá trình sáng tạo, thấy phong cách của anh trải qua rất nhiều giai đoạn tìm tòi, phát triển.
Một tác phẩm của họa sĩ Mai Quý Ngọc.
Một tác phẩm của họa sĩ Mai Quý Ngọc.

Ở giai đoạn đầu, anh thường nghiêng về trang trí đơn giản với mầu sắc nóng và mảng mầu tương phản, tạo nên hiệu ứng mạnh cho người xem. Giai đoạn từ 2018 tới nay, họa sĩ có những bứt phá mới lạ. Ấn tượng nhất trong sáng tác những năm qua của anh là tác phẩm “Mẹ Tây Nguyên” - đoạt giải B, “Sức sống đại ngàn” - đoạt giải C, “Chuẩn bị vào hội” - đoạt giải B tại Triển lãm khu vực trong liên tiếp 3 năm 2019, 2020, 2021…

Tranh của Mai Quý Ngọc ở hiện tại luôn là khổ lớn, với bố cục chặt chẽ, mầu sắc đẹp, hài hòa, hình tượng được cách điệu mạnh bạo, dứt khoát. Họa sĩ chọn lối vẽ thiên về vẽ trang trí và tả thực với tông mầu nâu, xanh là mầu chủ đạo. Nhờ tìm hiểu rất nhiều về con người Tây Nguyên, những khuôn mặt người trong tranh của anh mang đậm dấu ấn đại ngàn. Khi nhìn vào các khuôn mặt ấy, ta như chạm vào một cuộc đời với cái nhìn sâu thẳm như cánh rừng già mùa khô, đầy sự thứ tha, bao dung, cũng như sự chiêm nghiệm cuộc đời từ những người mẹ già, hay đôi mắt trăn trở của những người phụ nữ, niềm háo hức của những đứa trẻ, những khát vọng thay đổi luôn hiện hữu trong những đôi mắt đàn ông.

Tác phẩm “Chuẩn bị vào hội” (150x150cm, 2021), họa sĩ ghép từ 8 bức tranh nhỏ, tạo ra một bức tranh lớn thể hiện được sự hoành tránh. Họa sĩ sử dụng tông mầu xanh lạnh kết hợp với mầu nâu đỏ đặc trưng của người Tây Nguyên. Với hình ảnh cồng chiêng, rượu ghè, thức ăn, những chiếc gùi thổ cẩm được chuẩn bị tươm tất. Hình ảnh nhà mồ được thể hiện cho nghi lễ bỏ mả, hình ảnh khuôn mặt người mẹ Gia Rai trong tác phẩm được thể hiện trầm lắng, suy tư. Đó chính là những suy nghĩ của người thân khi một người bên cạnh mình vĩnh viễn ra đi. Họa sĩ đã quan sát rất tinh tế những hình ảnh, hoa văn trên áo, những nếp nhăn trên khuôn mặt, những đôi mắt ánh buồn được thể hiện sống động.

Những khuôn mặt Tây Nguyên được họa sĩ vẽ đưa vào nhiều tác phẩm có thể bắt gặp ở tác phẩm “Mẹ Tây Nguyên” (200x200cm, 2019), “Sức sống đại ngàn” (180x200cm, 2020), “Người đàn bà núi” (100x200cm, 2022)… với khuôn mặt người mẹ, những người đàn bà trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, hằn dấu thời gian. Hình ảnh người mẹ ngực trần với bầu ngực căng tròn, tràn đầy sức sống được họa sĩ diễn tả chân thực cùng nếp sinh hoạt và tập quán sinh sống hằng ngày, khiến những bức tranh trở nên gần gũi.

Tác phẩm “Tự hào cồng chiêng văn hóa phi vật thể” (120x140cm, 2018) được thể hiện qua những khuôn mặt tươi vui, dí dỏm, phóng khoáng, với hình tượng những thanh niên trai tráng trong làng đang đánh chiêng trống. Nhìn vào bức tranh ta như nghe được âm thanh thánh thót vang lên. Các nhân vật được dàn theo hàng ngang với sắc mầu của trang phục truyền thống, các đồ trang sức được trang điểm theo phong cách đậm chất Gia Rai.

Sau hơn 25 năm sáng tác và tham gia các triển lãm chung, từ ngày 21/12/2024 đến 5/1/2025, họa sĩ Mai Quý Ngọc đang tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên mang tên “Dấu ấn đại ngàn” với 45 tác phẩm đậm chất Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Đây là cột mốc đánh dấu một chặng đường sáng tác đầy nỗ lực, góp phần gìn giữ, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.