Vẫn còn rủi ro với tăng trưởng ổn định

Nâng dự báo tăng trưởng, song LHQ vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo đó, tình trạng lãi suất cao kéo dài, nợ xấu, bất ổn chính trị và xung đột tiếp tục tạo rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIURUI
Biếm họa: LIURUI

Trong bản cập nhật Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được công bố tuần trước, LHQ đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025. Các mức này tăng nhẹ so dự báo mà LHQ đưa ra hồi tháng 1 là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025.

Bản cập nhật nêu rõ, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện so dự báo trước đây. Vẫn đối mặt một số thách thức, song các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng và hầu hết đã nỗ lực giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng, dẫn tới suy thoái.

Cơ sở để nâng dự báo kinh tế thế giới được LHQ giải thích là triển vọng lạc quan của kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Theo LHQ, năm 2024, kinh tế Mỹ dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,3%, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Liên minh châu Âu (EU) bị hạ còn 1%.

Bản cập nhật của LHQ không thay đổi dự báo về các nền kinh tế khu vực Đông Á, dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025. Tuy nhiên, LHQ cho rằng, tại khu vực này, nhu cầu nội địa mạnh, ngành du lịch tiếp tục phục hồi và xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu cải thiện.

Được công bố tuần trước, Báo cáo Đánh giá ổn định tài chính định kỳ 6 tháng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng, các điều kiện kinh tế đã được cải thiện. Theo ECB, sự cải thiện là nhờ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có chiều hướng giảm, duy trì mức 2,4% trong tháng 4 qua và tiến gần tới mức mục tiêu 2% của EU. Khả năng ECB sớm cắt giảm lãi suất cũng thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư.

Trong báo cáo mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm 2024. Từ 5,4% của năm 2023, lạm phát tại Eurozone tiếp tục giảm, còn 2,5% trong năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. Tỷ lệ lạm phát này được điều chỉnh giảm so dự báo được EC đưa ra hồi tháng 2/2024.

Đưa ra dự báo tích cực hơn về kinh tế khu vực và toàn cầu, nhưng cả LHQ và các thiết chế châu Âu đều cảnh báo về những yếu tố rủi ro, đe dọa làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là tình trạng lãi suất cao duy trì trong thời gian dài ở các nền kinh tế phát triển, căng thẳng địa-chính trị leo thang và rủi ro khí hậu ngày càng tăng. Theo LHQ, cùng tăng trưởng thương mại yếu, đầu tư toàn cầu cũng trên đà đi xuống, giảm mạnh ở các nền kinh tế đang phát triển. Lãi suất cao, không gian tài khóa thắt chặt và rủi ro địa-chính trị được cho là nguyên nhân chính.

Báo cáo của EC cũng chỉ rõ, rủi ro với kinh tế Eurozone từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, trong khi ECB nhận định tính không chắc chắn về chính sách kinh tế tiếp tục tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định tài chính của Eurozone. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cảnh báo, viễn cảnh phát triển kinh tế rất mong manh, căng thẳng địa-chính trị và các cuộc xung đột là rủi ro lớn với ổn định tài chính, không chỉ của Eurozone mà cả thế giới.

Giải thích về đánh giá thận trọng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, LHQ nêu rõ lãi suất cao duy trì trong thời gian dài, cùng nợ xấu và căng thẳng địa-chính trị leo thang tiếp tục tạo rào cản đối với tăng trưởng ổn định và bền vững của kinh tế toàn cầu. Các “cú sốc khí hậu” nghiêm trọng lại đặt ra thêm nhiều thách thức, đe dọa kéo lùi sự phát triển. Tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ ngoài cơ hội cũng mang đến rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.