Vẫn chuyện "xây nhà từ móng"

Ở mỗi giai đoạn chuyển giao, bóng đá Việt Nam lại nóng lên bài toán làm thế nào để tạo cơ hội thi đấu thường xuyên hơn cho các lứa trẻ. Chỉ khi giải quyết dứt điểm vấn đề này, giấc mơ dự tranh World Cup mới đến gần hơn với thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Huấn luyện viên Troussier đặt ra yêu cầu rất cao với các cầu thủ trẻ.
Huấn luyện viên Troussier đặt ra yêu cầu rất cao với các cầu thủ trẻ.

Sự thay đổi cần thiết

Ngày 29/5, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã tiến hành bốc thăm chia bảng các đội tham dự Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2023. Việt Nam sẽ nằm trong bảng C cùng Philippines và Lào. Chủ nhà Thái Lan ở bảng A (đông nhất), với Campuchia, Brunei và Myanmar. Trong khi đó, bảng B là cuộc cạnh tranh giữa Timor-Leste, Malaysia và Indonesia.

Từ ngày 17 đến 26/8, 10 đội bóng sẽ thi đấu tại Thái Lan theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng ở mỗi bảng. Ba đội nhất bảng và một đội nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào bán kết. Các cuộc đọ sức sau đó sẽ tìm ra ba vị trí dẫn đầu khu vực.

Ngay sau khi lứa U22 Việt Nam đánh bại Myanmar ở trận tranh Huy chương đồng SEA Games 32, Huấn luyện viên Troussier đã phát biểu: VFF quyết định cử đội U20 tham dự ASIAD 19 và Giải vô địch U23 Đông Nam Á thay cho U23 Việt Nam, vì các giải đấu này không diễn ra vào dịp FIFA Days. V.League đã phải tạm hoãn nhiều lần để nhường chỗ cho cả đội trẻ và điều này không hợp lý. Tôi không muốn gây ảnh hưởng xấu đến các câu lạc bộ và hệ thống giải đấu chuyên nghiệp.

"Họ cũng có mục tiêu riêng. Tôi nghĩ các đội tuyển cần nghĩ đến lợi ích sao cho tất cả hài hòa. Không thể để các giải đấu chuyên nghiệp ngắt quãng liên tục để phục vụ đội trẻ. Tôi muốn xây dựng đội tuyển quốc gia dựa trên nền tảng là các đội bóng quốc nội. Khi từng tập thể phát triển, chất lượng giải đấu được nâng cao thì sức mạnh của đội tuyển cũng sẽ tăng lên như điều tất yếu", thầy Troussier bổ sung thêm.

Nỗ lực tìm cơ hội

Trải qua những giải đấu như Doha Cup hay SEA Games 32, vấn đề được nhận thấy rõ rệt nhất là câu chuyện kinh nghiệm thi đấu. Phần lớn lứa măng non chỉ được thi đấu ở các giải trẻ trong nước hoặc quốc tế. Do trình độ còn thấp, chúng ta cũng chỉ có thể cọ xát với thời lượng rất hạn chế rồi lại tiếp tục trải qua thời gian dài miệt mài trên băng ghế dự bị. Không được thi đấu thường xuyên đồng nghĩa không có cơ hội phát triển, bản lĩnh chơi bóng cũng chẳng tài nào tích lũy thêm.

Kêu gọi như vậy nhưng để các cầu thủ trẻ được thi đấu thường xuyên là điều rất khó vì liên quan đến vấn đề thành tích chung. Các đội bóng không thể mạo hiểm tin dùng những gương mặt có phong độ thất thường, không ổn định. Điều cần làm là phải hài hòa về lợi ích của đội bóng với thời gian ra sân của các cầu thủ trẻ.

Trở về từ SEA Games 32, lứa U22 Việt Nam cũng bắt đầu có cơ hội xuất hiện tại V-League. Trong trận đấu giữa Hà Nội và Bình Dương, Văn Tùng được vào sân thay cho Minh Tuấn ngay ở hiệp đầu. Chân sút số 1 dưới thời thầy Troussier đã ghi bàn thắng giúp đội bóng Thủ đô giành lại một điểm. Do Văn Quyết bị treo giò, tiền đạo trẻ này mới có cơ hội chơi bóng nhiều hơn ở V-League. Thế nhưng, với việc chưa đóng góp quá nhiều vào lối chơi chung của đội, rất khó để chàng trai này cạnh tranh suất đá chính khi người đàn anh trở lại.

Ngoài Văn Tùng, Nguyễn Thái Sơn dù chỉ vào sân từ hiệp hai nhưng đã góp công lớn giúp Thanh Hóa lội ngược dòng trước Viettel với tỷ số 3-2. Dù để thua đáng tiếc, hai cầu thủ trẻ Phan Tuấn Tài và Khuất Văn Khang cũng cho thấy những đóng góp đáng kể vào lối chơi của đội bóng áo lính. Tại Sông Lam Nghệ An, Hồ Văn Cường đã được tin dùng trọn vẹn trong hiệp đầu... Tất cả cho thấy các câu lạc bộ vẫn cố gắng trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, dù thời lượng ra sân chưa nhiều.

Cùng đi tìm lời giải

Nhìn một cách tích cực, việc các đội bóng V-League trao cơ hội cho cầu thủ trẻ là tín hiệu đáng mừng. Nhưng để phát triển một cách bền vững hơn, chúng ta cần thay đổi nhiều yếu tố. Điển hình như sự ràng buộc của các hợp đồng đào tạo đến tuổi 21 hay thậm chí tìm cách để kéo dài thêm nhiều năm. Đây là giai đoạn các cầu thủ trẻ cần được trải nghiệm không ngừng. Việc tạo điều kiện cho họ được du đấu ở các câu lạc bộ, đội bóng hạng Nhất, hạng Nhì... sẽ mang đến những thay đổi đáng kể.

Tiếp đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần học hỏi các giải đấu quốc tế để đưa ra quy chế hợp lý về số cầu thủ U22 cần có trong đội hình cũng như phải bảo đảm số phút thi đấu. Nhưng trong thời gian gần, ước muốn trên sẽ khó để áp dụng được ở nước ta. Nhìn sang trường hợp của Premier League hay nước láng giềng Thái Lan, họ tổ chức một giải trẻ song song (Youth League) nhằm giúp các cầu thủ được thi đấu thường xuyên hơn. Nếu có phong độ tốt, các em sẽ có cơ hội được đôn lên để thử sức ở đội chính.

Như thầy Troussier khẳng định, chăm lo cho lứa trẻ đồng nghĩa xây dựng hệ thống giải vô địch quốc gia ngày càng bền vững hơn. Có như vậy, sức mạnh của đội tuyển quốc gia cũng được cải thiện, tương xứng với giấc mơ dự tranh World Cup.