Vai trò của “đầu tàu”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/5 đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức kéo dài ba ngày. Lãnh đạo hai “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định vai trò của mình nhằm đối phó một số thách thức chung của EU hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà lãnh đạo Pháp (phải) và Đức mong muốn đưa EU vượt qua những thách thức hiện nay. Ảnh: REUTERS
Hai nhà lãnh đạo Pháp (phải) và Đức mong muốn đưa EU vượt qua những thách thức hiện nay. Ảnh: REUTERS

Trong một bài viết chung đăng trên tờ Financial Times số ra ngày 28/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng EU phải nỗ lực vượt bậc để cải thiện khả năng cạnh tranh, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ lối sống bị hủy hoại.

Theo bài viết, hai nhà lãnh đạo cho rằng trong số các cải cách cần thiết có việc phải nỗ lực hơn nữa trong tiến trình phi carbon hóa nền kinh tế theo hướng để các quốc gia thành viên chọn lựa cách thức thực hiện phù hợp. Đây là vấn đề vốn gây tranh cãi giữa các thành viên EU, song những tháng gần đây, phần lớn các quốc gia đã nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với kinh tế xanh. Ngày 27/5, các nước EU đã thông qua một đạo luật quy định giới hạn phát thải khí methane đối với nhập khẩu dầu và khí đốt vào châu Âu từ năm 2030, theo đó gia tăng áp lực buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính này.

Nhập khẩu vốn chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU, do đó các nhà lập pháp nhất trí đặt ra các yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Luật mới quy định, kể từ ngày 1/1/2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh ở cấp độ sản xuất. Từ năm 2030, các nước EU sẽ áp đặt giới hạn về "giá trị mật độ khí methane tối đa" đối với nhiên liệu hóa thạch tại EU. Khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xác định các mức giới hạn chính xác. Các nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt vi phạm giới hạn có thể phải đối mặt với hình phạt tài chính.

Trong bài viết, hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức cũng kêu gọi các nước thành viên EU hoàn thiện thị trường tài chính đơn nhất của khối bằng cách đưa ra các khuôn khổ chung về phá sản, thuế và đầu tư. Bài viết có đoạn: “Chúng ta không thể coi những nền tảng mà từ đó chúng ta đã xây dựng lối sống châu Âu và vai trò của mình trên thế giới là điều đương nhiên có được. EU đang lâm nguy và chúng ta phải vượt lên thử thách này”.

Bài viết được đăng trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Đức ngày 26/5 trong chuyến thăm nhằm nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa hai nền kinh tế hàng đầu của EU. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp đến Đức sau 24 năm, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac năm 2000.

Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, từ lâu đã được coi là động lực của hội nhập châu Âu, mặc dù giữa hai nước đôi khi có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề. Tổng thống E.Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có phong cách lãnh đạo tương đối khác nhau và từng xảy ra xung đột quan điểm về một số vấn đề như quốc phòng hay năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên gần đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận đoàn kết hơn.

Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Tổ chức tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York (Mỹ), ông Mujtaba Rahman nhận định, chuyến thăm ở cấp độ chính trị cao nhất cho thấy mối quan hệ Pháp - Đức đang tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên, những vấn đề lớn đang bủa vây EU như xung đột Israel - Hamas, cuộc chiến tại Ukraine hay tăng cường sức mạnh quốc phòng, giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ… vẫn còn tồn tại một số ý kiến khác nhau giữa hai bên.

Dù vậy, chuyến công du mang tính lịch sử của Tổng thống Pháp E.Macron đã phác họa tương lai hợp tác mới giữa hai quốc gia lớn nhất châu Âu, mà trong đó mọi nỗ lực sẽ hướng vào hợp tác chung và giảm bớt lợi ích riêng.