Vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong phát triển sản phẩm OCOP là gì? (Nguyễn Thị Thoa, huyện Mường Khương, Lào Cai)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong triển khai Chương trình OCOP bao gồm:
1. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương và phát triển dịch vụ du lịch ở nông thôn.
2. Bố trí các nguồn vốn của địa phương, lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện. Huy động các nguồn lực tại địa phương (vốn tín dụng và các nguồn lực hợp pháp khác) để tổ chức triển khai thực hiện.
3. Giao nhiệm vụ cho Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh chủ trì tham mưu thực hiện đề án, kế hoạch Chương trình OCOP tại địa phương. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về cơ quan thường trực chương trình OCOP cấp Trung ương.
4. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh để đánh giá, xếp hạng, công nhận các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao.
Thông báo cho cấp huyện và chủ thể biết kết quả đánh giá sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và đề nghị Hội đồng đánh giá Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
5. Xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại hằng năm của tỉnh. Huy động nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, các tổ chức liên quan để tổ chức: hệ thống trung tâm OCOP/cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu. Giới thiệu sản phẩm theo chuỗi. Mạng lưới liên kết OCOP giữa các địa phương cấp tỉnh. Tổ chức các hội chợ OCOP định kỳ.
Mới đây nhất, trong Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, văn bản cũng nêu rõ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nội dung Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP phù hợp nội dung, định mức hỗ trợ của trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.
Cùng với đó, bố trí nguồn lực cần thiết từ ngân sách địa phương, sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, lồng ghép các nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành; củng cố, kiện toàn cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc triển khai Chương trình từ cấp tỉnh, huyện, xã phù hợp và hiệu quả.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, kết quả triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp trung ương.