Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Khác với các năm trước, thay vì đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 (Nghị quyết 01) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ đã “ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HẢI NAM
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HẢI NAM

Theo Nghị quyết 01, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy vậy, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tác động kéo dài. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 6,5%, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Vì vậy, tại Nghị quyết 01, ngoài 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”.

Kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng

Sau nhiều năm hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, kể từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, tổng cầu thế giới liên tục suy giảm, trong đó xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chủ động tập trung vào công tác tìm kiếm thị trường cả trong nước và xuất khẩu nhằm đa dạng khách hàng và sản phẩm.

Tuy vậy, năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức... Vì vậy, để triển khai giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước trong Nghị quyết 01, ngay từ đầu năm 2024, May 10 đã đưa ra các chính sách khuyến mãi bên cạnh chính sách giảm 2% VAT của Chính phủ và Quốc hội đề ra để hỗ trợ và kích cầu tiêu dùng nội địa - dù là thời điểm “củ mật” và thường không có khái niệm giảm giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Với các nhiệm vụ như vậy, trong công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết 103 của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng với các giải pháp tập trung phục vụ mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phấn đấu đạt được mục tiêu 6-6,5%.

Trên thực tế, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy cả ba mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Về xuất khẩu, Việt Nam đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng hơn 9%, tiệm cận mức 2 con số. Còn trong lĩnh vực đầu tư, một lĩnh vực hết sức quan trọng, cả ba mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư tư nhân, đều có cơ hội khá tốt trong năm 2024. Đặc biệt FDI, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, nhất là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, kích thích được đầu tư trong nước gắn với phục hồi thị trường xuất khẩu có thể khởi sắc.

“Về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, đây là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được. Tuy vậy, nếu thực hiện được những nhiệm vụ đề xuất trong Nghị quyết 01, rất kỳ vọng phấn đấu hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thứ trưởng Phương tin tưởng.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1

Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: BẮC SƠN

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong Nghị quyết 01, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng với 12 giải pháp toàn diện với yêu cầu cần là làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, về động lực tăng trưởng cũ, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ, hoàn thuế theo đúng quy định, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản; và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Về các động lực tăng trưởng mới, Nghị quyết 01 cũng đã nhắc đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… bởi chỉ có sản xuất xanh mới tạo ra những sản phẩm chất lượng, có cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính để tạo ra hiệu suất kinh tế tốt. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo và đặc biệt là tận dụng các cơ hội sản xuất chip, bán dẫn.

“Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu rất cụ thể như tập trung về đào tạo nhân lực, để chuẩn bị về hạ tầng nhân lực cho quá trình tận dụng cơ hội, thậm chí đưa ra các mục tiêu hướng tới đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực phục vụ quá trình sản xuất chip và bán dẫn. Như vậy, khi thời cơ đến chúng ta có sự chuẩn bị sẵn sàng và nhanh chóng chớp cơ hội”, ông Hiếu kỳ vọng.

Tuy vậy, khi lựa chọn một trọng tâm cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Hiếu cho rằng, cần tập trung đến cải cách thể chế theo hướng tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp, từ đó không chỉ giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cụ thể, về yêu cầu xóa bỏ rào cản, cũng như cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thay vì rà soát toàn bộ hệ thống để đưa ra sửa đổi, bổ sung một số đạo luật thì có thể đặt ra một ưu tiên là rà soát ngay những quy định mang tính cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có thể bãi bỏ được ngay, không phải chờ đến lúc sửa đổi, bổ sung.