Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” tổ chức mới đây, ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bất chấp những biến động toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,04%, thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng trước giai đoạn đại dịch.
Bất động sản và chứng khoán
Trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% và phấn đấu mức 7-7,5%. Động lực tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng ổn định ở cả ba khu vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ), mức sống dân cư cải thiện, du lịch và xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và đường điện, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển kinh tế. Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh tạo cơ sở cho việc tăng chi đầu tư công và hỗ trợ phát triển.
Song song đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm 2025. Việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong sản xuất, kinh doanh, AI giúp dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Khi mà, việc ứng dụng AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc nhờ những động lực quan trọng đến từ các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, việc sửa đổi Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản, cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào bất động sản công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng. Tại thị trường phía bắc, Hà Nội được xem là "hạt nhân" trong chu kỳ phát triển với nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng từ 25.000 - 30.000 sản phẩm. Còn tại TP Hồ Chí Minh, con số này thấp hơn, khoảng từ 7.000 - 8.000 sản phẩm trong năm tới. Mức giá, tiếp tục xu hướng tăng, trong ngắn hạn do nguồn cung chưa thể giải tỏa được ngay. Năm 2025 sẽ là năm bùng nổ của thị trường khi các “nút thắt” về thể chế được tháo gỡ, giúp nguồn cung gia tăng, giảm áp lực cung-cầu, đồng thời điều chỉnh giá cả theo hướng ổn định hơn.
Với kênh đầu tư chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho biết, trong hai năm 2023 và 2024 thì chứng khoán tăng khá thấp. VN Index năm 2023 tăng khoảng 12,7%, 2024 hiện tại tăng khoảng 10%. Bước sang năm 2025, với những chất xúc tác kỳ vọng từ tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, nâng hạng thị trường… thị trường chứng khoán có thể sẽ tăng ở mức 15-20%, thậm chí cao hơn. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đã có thể nghĩ đến việc mua gom tích lũy, đầu tư tập trung ở các cổ phiếu chất lượng cao, có kết quả kinh doanh tốt cho mục tiêu tích lũy, với tầm nhìn xa hết quý I, quý II, thậm chí cả năm 2025. Tuy vậy, thị trường không tăng liên tục mà sẽ tăng từng chặng và có những nhịp điều chỉnh, nên việc linh hoạt trong đầu tư là rất cần thiết. Với riêng những nhà đầu tư "lướt sóng", cổ phiếu trong nhóm tại lĩnh vực đặc thù, nhóm có kết quả kinh doanh cao, nhóm thuộc diện tái cấu trúc là các lựa chọn đáng để lưu tâm.
Phân bổ danh mục đầu tư
Dù khẳng định kênh đầu tư cổ phiếu rất hấp dẫn trong năm 2025, song ông Lê Quang Hưng, Giám đốc cao cấp phân tích đầu tư Công ty CP Quản lý Quỹ Kỹ thương Techcom Capital khuyến nghị, khách hàng và nhà đầu tư quản trị rủi ro bằng cách phân bổ danh mục của mình vào nhiều kênh tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu. Đây là kênh đầu tư sẽ phát triển tốt trong năm 2025 với những chính sách mới, luật mới đã đưa ra các quy định liên quan đến thị trường trái phiếu để tăng tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư.
Còn theo ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank, các nhà đầu tư không chuyên nên tập trung vào các quỹ, thông qua các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm để gia tăng tài sản cho mình. Cụ thể, với tiềm năng của thị trường tiền số hiện nay thì nhà đầu tư cũng có thể phân bổ một phần tài sản vào kênh này. Đồng thời, vàng cũng được xem là một kênh đầu tư an toàn trong dài hạn khi giúp nhà đầu tư có thể tránh khỏi lạm phát hay những bất ổn về tình hình thế giới, đây cũng là kênh đầu tư dễ dàng cho số đông.
Tuy vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản Toàn Cầu lại cho rằng, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng đến hơn 50% nên nếu tiếp tục đầu tư thì vô cùng rủi ro. Còn đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay. Sang năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ mới sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Điều này tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND lên cao.
Trong bối cảnh đó, tiền gửi vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, cho rằng thực trạng trên cho thấy gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… Đồng thời, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trầm lắng.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 sẽ mang đến cả cơ hội và thách thức với các nhà đầu tư. Do đó, bên cạnh những triển vọng tích cực từ tăng trưởng kinh tế trong nước, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, các nhà đầu tư cần thận trọng trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu và chính sách của Mỹ. Việc nắm bắt thông tin, phân tích thị trường và xây dựng chiến lược linh hoạt sẽ là “chìa khóa” thành công trong năm 2025.