Tưng bừng sắc hội du xuân

Bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, hàng trăm lễ hội tưng bừng mở ra. Có thể thấy, lễ hội đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu năm, đông đảo người dân đi lễ đền, chùa cầu bình an.
Đầu năm, đông đảo người dân đi lễ đền, chùa cầu bình an.

1/ Du xuân đón Tết bằng những chuyến du lịch giờ đây đã trở thành xu hướng của nhiều gia đình, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Thay vì loay hoay với tiệc đãi khách, ngày nay, các gia đình đón Tết khá gọn nhẹ. Sau Giao thừa, cúng tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ và ông bà là cả nhà cùng kéo va-li lên đường du lịch. Nhiều người cho rằng, đón Tết Nguyên đán ở nơi xa là cách để cả nhà cùng nhau đón một năm mới hanh thông, tràn đầy năng lượng và may mắn. Đặc biệt, sau gần ba năm “bó chân” vì dịch Covid-19, năm nay xu hướng đi du xuân được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng.

Những ngày đầu năm, tại các ngôi đền, chùa trên địa bàn Hà Nội rộn ràng không khí người dân đi du xuân lễ chùa cầu an, cầu may cho một năm mới. Năm nay, khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khai hội từ mồng 6 Tết và kéo dài trong ba tháng. Ngay từ ngày khai hội, lượng người đi lễ đền, chùa rất đông đúc, nhưng công tác quản lý đã có những thay đổi đáng kể nhằm tránh tình trạng chen lấn, lộn xộn, bảo đảm an ninh trật tự khu vực. Các hoạt động lễ hội được tổ chức công khai và văn minh, hình thức sử dụng vé giấy như bao năm qua thay bằng vé điện tử, du khách có thể mua ở bến đò hoặc bãi đỗ xe. Đặc biệt, có ba bãi đỗ xe chính cho du khách thuận tiện đi bộ, hoặc gọi xe điện vào bến đò, theo đó bãi đỗ xe Đường số 1 cách bến đò 800m, từ bến xe Hương Sơn tới bến đò là 2km và bãi xe Hội Xá cách bến đò 3km.

Đã không ít lần ra công tác tại Hà Nội nhưng đây là năm đầu tiên Nguyễn Ngọc Bảo Yến (TP Hồ Chí Minh) du xuân đầu năm và trải nghiệm không khí lạnh giá tại nhiều vùng miền khu vực phía bắc. Các địa điểm du xuân được Yến và các bạn lựa chọn lần này bao gồm Sa Pa (Lào Cai), Đền Trần (Nam Định), Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình) và Thủ đô Hà Nội. Với Yến, đây còn là dịp để bản thân trải nghiệm và tham gia chiêm bái các khu du lịch tâm linh, giúp hiểu hơn về phong tục, văn hóa, lịch sử, cũng như cuộc sống người dân trên mọi miền Tổ quốc. “Năm nay các nơi đều đông vui hơn. Theo tôi, một phần vì dịch Covid-19 đã được kiểm soát và tình hình kinh tế dần ổn định nên mọi người náo nức du xuân cùng bạn bè, người thân. Cá nhân tôi cũng thích đi du lịch vào những ngày Tết để cảm nhận không khí tươi vui”, chị Yến vui vẻ kể.

2/ Theo số liệu thống kê, nước ta có gần 8.000 lễ hội và các lễ hội truyền thống thường được diễn ra vào mùa xuân. Nắm bắt điều này, các công ty du lịch lữ hành đã xây dựng các tour du lịch gắn liền lễ hội ở các vùng, miền khác nhau để đáp ứng tốt nhất nhu cầu người dân. Đại diện Vietravel Hà Nội cho biết, năm nay, bộ sản phẩm lễ hội xuân của công ty được xây dựng theo tiêu chí là điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước đây và có các hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Chương trình có lịch khởi hành đa dạng, từ một đến ba ngày, tùy yêu cầu của khách.

Ngoài các địa danh trong nước, các điểm đến truyền thống như Thailand, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu luôn thu hút nhiều khách đăng ký. Du khách có thể lựa chọn tour trọn gói, bao gồm đầy đủ các dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên hoặc gói dịch vụ lẻ. Đối với tuyến nước ngoài, đầu xuân du khách thường ưu tiên lựa chọn các hành trình tâm linh Phật giáo như Ấn Độ, Myanmar, Chiangmai (Thailand)...

Theo đại diện Công ty lữ hành Vietravel, những năm trở lại đây, đi du lịch đầu năm trở thành xu thế chung của nhiều gia đình, điều này vừa thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lại vừa góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, giá trị di sản, di tích, văn hóa Việt Nam. Không chỉ thế, những hình ảnh, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống cũng sẽ từ đó được lan tỏa để vun đắp, bồi dưỡng, phát huy, phát triển, kết nối cộng đồng và hướng tới tương lai.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 7 ngày Tết Quý Mão (từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 Tết âm lịch), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so cùng kỳ). Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng tăng mạnh so dịp Tết dương lịch 2023. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30-40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.