Phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh

Trước tình trạng học sinh tiểu học thừa cân, béo phì ngày một gia tăng, mới đây Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường các hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu học. Ảnh: NAM NGUYỄN
Tăng cường các hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu học. Ảnh: NAM NGUYỄN

Béo phì là căn bệnh thời hiện đại, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017-2021 tại 90 trường ở các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất với 37,8%; trong khi tỷ lệ này ở học sinh THCS là 16,8% và học sinh THPT là 11,3%.

Điều đáng nói là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. Cụ thể, một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%. Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam là do lối sống hiện đại của người Việt tăng lên hơn trước. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn của người Việt. Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt, những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Các thống kê cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về hoạt động thể chất trong

50 năm qua. Việc ít thời gian rảnh rỗi dành cho hoạt động thể lực, đặc biệt là xem truyền hình và trò chơi điện tử, tất cả đều liên quan đến nguyên nhân làm giảm mức độ hoạt động thể chất, tăng nguy cơ béo phì ở thanh, thiếu niên.

Trẻ bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư mà nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, do đó nếu can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.

Mô hình can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì ở học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, hành vi về dinh dưỡng hợp lý của phụ huynh, học sinh và nhà trường trong việc chủ động phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây lúc trưởng thành.

Theo CDC Hà Nội, mô hình can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học tập trung vào 5 mục tiêu, gồm: Bảo đảm môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; Nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp; Cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành Y tế cho trẻ; Tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu học và Kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học.

Trước mắt, mô hình này sẽ được thực hiện tại một số trường như Tiểu học La Thành, quận Đống Đa; Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm; Tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông.