Cẩn trọng khi chốt đơn qua livestream

Nhanh chóng, tiện lợi, giá cả hợp lý là những ưu điểm khiến ngày càng nhiều người lựa mua sắm qua hình thức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cần cân nhắc kỹ trước khi “chốt đơn”.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi livestream bán hàng. Ảnh: NAM HẢI
Một buổi livestream bán hàng. Ảnh: NAM HẢI

Tràn ngập hàng giả, hàng nhái

Sử dụng hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Shopee… đều cung cấp tính năng livestream, tăng khả năng tương tác trực tiếp giữa người bán với khách hàng, tăng tốc độ chốt đơn hàng. Nhưng không ít người đặt mua hàng online trên livestream, TikTok, Facebook lại nhận về các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

Chị Hoàng Thị Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây, tại một phiên livestream của một chủ tài khoản trên Facebook, có đặt mua một nồi cơm điện giá chỉ vài trăm nghìn đồng, được quảng cáo là chính hãng, được khuyến mại “giờ vàng” “tri ân khách hàng”. Vài ngày sau, khi sản phẩm chuyển tới, từ hình thức tới mẫu mã đều cho thấy là hàng gia công, nhựa mỏng mảnh. Sản phẩm bị hỏng nút bấm, gãy tay cầm và không hoạt động khi cắm điện. Chị Phương liên lạc với cửa hàng nhưng nhân viên nói rằng, do không quay lại video lúc nhận và bóc hàng từ đầu nên họ không chịu trách nhiệm đổi trả.

Tương tự, chị Nguyễn Minh Hòa (Hồ Tây, Hà Nội) cũng thường xuyên theo dõi một kênh Facebook livestream bán mỹ phẩm khá nổi tiếng. Chủ kênh rất biết cách trò chuyện để thu hút người xem. Khi thấy khách chốt đơn ầm ầm, chị Hòa cũng sốt ruột “sợ mất” nên nhanh tay bấm nút chốt đơn một chai nước hoa “được quảng cáo chính hãng” với giá tương đối hợp lý do “đang mùa sale đậm”. “Tuy nhiên, nước hoa khi nhận, biết ngay là hàng nhái thương hiệu. Chỉ sau 5 phút được xịt lên người đã không còn mùi thơm, nắp chai cũng lỏng lẻo, chưa đụng vào đã chực rơi ra ngoài”, chị Hòa bức xúc kể. Khi yêu cầu được cung cấp hóa đơn hàng chính hãng, chủ kênh bán hàng vẫn trả lời do sản phẩm khuyến mại nên không có hóa đơn gốc (!?). Tính sơ ra, chỉ với 4-5 giờ livestream/ngày, mỗi người bán hàng có thể chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn hàng. “Những sản phẩm như giày, dép, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, rồi hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ vẫn được chốt đơn thành công”, chị Hòa bức xúc.

Nhiều cửa hàng đã sử dụng chiêu trò mua đơn nhằm tạo lượt bán ảo cho sản phẩm để mồi khách. Kèm theo đó là “mua” nhiều lượt đánh giá ảo với những đánh giá “khen hết lời” nhằm dụ người tiêu dùng “chốt” đơn. Anh Hùng, một người hay mua hàng online cho biết, nếu không am hiểu về sản phẩm, một số người mua sẽ bị “lừa”, vì mua phải các “shop ảo” không có cơ sở kiểm chứng và ham giá rẻ rất dễ rơi vào bẫy. Thí dụ một chiếc nồi cơm điện cao tần chính hãng giá khoảng từ 8-10 triệu đồng, nhưng nhiều shop online chỉ rao khoảng 3-4 triệu đồng. Các loại hàng hóa được quảng cáo như giày “hàng hiệu” Adidas hay Nike được chào bán với giá từ 200-500 nghìn đồng/sản phẩm; kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, có giá từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng/sản phẩm. “Hàng quá rẻ thì khó có thể là chính hãng”, anh Hùng kết luận.

Bao giờ hoàn thiện hành lang pháp lý?

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok shop) trong năm 2023, tăng 52,3% so năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Sự bùng nổ thương mại điện tử cũng tạo ra nhiều kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Và người tiêu dùng, khi mua phải hàng giả cũng không biết kêu ai để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đang xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến giữa người dân và doanh nghiệp. Các sàn thương mại điện tử như Shopee khẳng định, sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ phản ánh có căn cứ xác thực đối với các sản phẩm kém chất lượng hay không có nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Nhưng dù sao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn là câu chuyện của tương lai.

Đánh giá từ các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.