Hướng tới mô hình đô thị sân bay

Với tiềm năng và lợi thế, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát, Bình Định) có thể phát triển mô hình đô thị sân bay với sân bay Phù Cát làm hạt nhân. Mô hình này không chỉ tập trung vào việc phát triển sân bay, mà còn nhấn mạnh việc xây dựng một hệ sinh thái chung quanh, bao gồm các không gian vệ tinh, dịch vụ và công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) nhìn từ trên cao.
Thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) nhìn từ trên cao.

1/Sân bay Phù Cát với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển hàng không, mà còn có thể trở thành trung tâm kết nối với các đô thị khác trong và ngoài nước. Hiện nay, khu vực chung quanh sân bay Phù Cát đang hình thành một hệ sinh thái đô thị, cùng với các không gian vệ tinh của đô thị Ngô Mây đang được xây dựng để tạo nên một mạng lưới hạ tầng đa dạng và phong phú. Những không gian này không chỉ bao gồm các khu dân cư hiện đại, mà còn có các khu công nghiệp, dịch vụ, giáo dục và nghiên cứu.

Theo đề án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Cát đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh Bình Định, đến năm 2030 huyện Phù Cát có 6 đô thị gồm Ngô Mây, Cát Tiến, Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành và Cát Hanh. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa của huyện Phù Cát đến năm 2030 khoảng 37%, đến năm 2040 khoảng 39,82%. Để đạt mục tiêu trên, cần phát triển khu dân cư nông thôn trên cơ sở ổn định hệ thống dân cư hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của địa phương. Hiện, huyện Phù Cát đã và đang triển khai nhiều chương trình phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị. Do đó, việc phát triển mới khu dịch vụ kho, bãi ở phía bắc sân bay Phù Cát và mở rộng thị trấn Ngô Mây về phía Tây Nam, bao gồm cả sân bay Phù Cát không chỉ tạo ra việc làm cho cư dân, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương và khu vực lân cận.

Tuy nhiên, đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị của huyện Phù Cát còn ở mức thấp, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Điều này đòi hỏi phải có định hướng dài hạn cùng với những giải pháp, chương trình hành động cụ thể mang tính đột phá, cùng sự đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển.

2/Một phần quan trọng của mô hình đô thị sân bay là việc phát triển các không gian dịch vụ và công nghiệp. Với mô hình đô thị sân bay, Ngô Mây có thể hướng tới việc trở thành trung tâm hàng không lớn mạnh, trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của khu vực. Nơi đây sẽ là nơi cư trú, làm việc và học tập của cư dân bản địa, song cũng có thể là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước để khám phá và nghiên cứu văn hóa cộng đồng. Dẫu vậy, để thực hiện mô hình đô thị sân bay, việc phát triển cơ sở hạ tầng rất cần thiết. Đặc biệt là xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, cung cấp các dịch vụ công cộng để tạo ra một môi trường sống chất lượng cho cư dân. Trong đó, việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông vận tải bao gồm việc mở rộng, cải thiện hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường hàng không để kết nối sân bay Phù Cát với các đô thị lân cận cần thực hiện khẩn trương.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều thành phố áp dụng thành công mô hình đô thị sân bay. Thí dụ như Istanbul Sabiha Gökçen International Airport (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tập trung phát triển không gian chung quanh sân bay Sabiha Gökçen để tạo ra một hệ sinh thái đô thị sôi động. Hoặc như sân bay quốc tế Frankfurt (Đức) đã biến sân bay của mình thành một trung tâm kinh doanh và văn hóa, với các không gian dịch vụ và công nghiệp phát triển mạnh. Trong khi đó, sân bay Amsterdam Schiphol (Hà Lan) lại tận dụng sân bay Schiphol để phát triển một trung tâm kinh doanh và giáo dục, thu hút nhiều doanh nghiệp và tổ chức giáo dục đến định cư. Ở châu Á có Incheon International Airport (Hàn Quốc) khi đã xây dựng một đô thị sân bay với nhiều không gian dịch vụ và công nghiệp chung quanh sân bay quốc tế Incheon… Có thể thấy, những thành phố này đã chứng minh việc áp dụng mô hình đô thị sân bay có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc tạo ra việc làm, thu hút đầu tư đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân. Đây chính là những bài học quý giá mà chúng ta có thể học hỏi khi muốn phát triển theo mô hình này.

Với mô hình đô thị sân bay, thị trấn Ngô Mây có thể mở ra hướng đi mới cho sự phát triển trong quá trình hội nhập. Đây không chỉ là bước tiến vững chắc trong việc phát triển kinh tế, mà còn là cách để khẳng định vị thế của mình trên bản đồ hàng không và đô thị của thế giới. Với sân bay Phù Cát làm hạt nhân, cùng với sự phát triển của hệ sinh thái chung quanh sân bay và các không gian dịch vụ, công nghiệp, nơi đây có thể trở thành một đô thị hàng không hiện đại trong tương lai.