Kỷ niệm 77 năm quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022)

Tự hào tôn vinh đất nước, con người

Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9, tưởng nhớ những chiến công, sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục thế hệ trẻ và chào đón ngày khai trường… là chủ đề chính của các hoạt động văn hóa, văn nghệ đang diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước. Các sự kiện năm nay càng thêm đặc biệt sau hai năm nhiều hoạt động kỷ niệm phải thay đổi hình thức hoặc hạn chế về quy mô tổ chức do dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục múa hát tại chương trình giao lưu nghệ thuật "Sao Độc lập - Việt Nam đất nước anh hùng". Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Tiết mục múa hát tại chương trình giao lưu nghệ thuật "Sao Độc lập - Việt Nam đất nước anh hùng". Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Sôi nổi hoạt động chào mừng

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn và quy mô đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ngày 28/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, UBND TP Hà Nội và Báo Nhân Dân đồng tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao Độc lập - Việt Nam đất nước anh hùng”. Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương; nhiều cán bộ lão thành cách mạng. Chương trình gồm 2 phần: “Việt Nam - Dân tộc quật cường, xả thân vì đại nghĩa”; “Việt Nam-Nguồn cảm hứng của hòa bình và phát triển” với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến. Những thông điệp này được thể hiện qua các tiết mục được dàn dựng công phu với những ca khúc đi cùng năm tháng ngợi ca Đảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Tiếp đó, ngày 2/9 sẽ là sự trở lại của chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2022” sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, tôn vinh đội ngũ y, bác sĩ sau thời gian dài chống dịch căng thẳng, cùng với đó là khát vọng mãnh liệt của dân tộc vượt qua gian khó: Sống, hồi sinh và xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Buổi hòa nhạc có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, các ca sĩ Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Mỹ Anh, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam...

Cùng với đó là nhiều hoạt động tại các điểm tham quan nổi bật. Tiêu biểu như từ ngày 1 đến 30/9, Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức chuỗi hoạt động Vui Tết Độc lập. Nhiều Đại sứ quán các nước tại Hà Nội cũng gửi lời chúc mừng Đảng, Chính phủ và toàn dân ta. Nhiều Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài cũng đã tổ chức những hoạt động kỷ niệm trang trọng.

Tự hào tôn vinh đất nước, con người ảnh 1

Các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (TP Hồ Chí Minh chuẩn bị biểu diễn dịp lễ năm nay.

Dịp 2/9 năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các sự kiện mang chủ đề “Tết Độc lập”. Trong đó có cuộc thả khinh khí cầu kéo lá quốc kỳ rộng 1.800m2 tại khu vực đầu hầm vượt sông Sài Gòn (TP Thủ Đức); chương trình nghệ thuật “Tết Độc lập - Bừng sáng khát vọng dân tộc”.

Nhiều hoạt động du lịch, thể thao sẽ được tổ chức dọc sông Sài Gòn. Trên trục đường Nguyễn Huệ, các trung tâm văn hóa của quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các nhóm nhạc, nhảy sẽ trình diễn phục vụ người dân. Cùng với đó, là các chương trình văn hóa, nghệ thuật được nhiều địa phương tổ chức. Đường sách TP Hồ Chí Minh trưng bày nhiều đầu sách, tư liệu, hình ảnh, hiện vật… nói về hành trình lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến ngày đất nước độc lập. Trong đó có triển lãm sáu bộ tem chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Mấy tuần qua, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam tích cực tập luyện cho chương trình tại Rạp xiếc Gia Định suốt dịp lễ. Chương trình gồm những tiết mục xiếc đã đoạt các giải thưởng trong và ngoài nước dựa trên kịch bản tươi vui, sinh động. Còn tại sân khấu rối nước ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Phương Nam tăng gấp đôi suất diễn vở “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” (phần hai). Một số nghệ sĩ sẽ về các huyện ngoại thành hoặc tỉnh lân cận biểu diễn.

Các sân khấu kịch, rạp chiếu phim, tụ điểm văn hóa, giải trí cũng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút khán giả trong kỳ nghỉ lễ. Sân khấu Sen Việt sẽ tặng người hâm mộ chương trình ca múa nhạc “Dạ khúc tri âm” với sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ. Đầu tháng 9 này, Sen Việt công diễn vở kịch nói “Câu hát tìm nhau” và hai vở cải lương “Vương quyền”, “Án tình”. Theo NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt, việc kích hoạt lại chuỗi hoạt động biểu diễn tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đều nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Được hòa chung nhịp sống với thành phố sau chặng đường gian nan vừa qua, chúng tôi thêm cảm mến những gì khán giả dành cho mình. Vậy nên, ngay khi thành phố ngưng giãn cách, chúng tôi lao vào sáng tạo nghệ thuật hăng say hơn và luôn đặt mục tiêu là các vở diễn hay, mang tính giáo dục nhưng phải nhẹ nhàng, giải trí, giúp đời sống tinh thần của người dân thoải mái hơn”.

Khơi dậy sức mạnh tri thức từ lòng hiếu học

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 31/8, trưng bày 50 tác phẩm của 44 tác giả được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến gần đây trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, mầu nước, gỗ, thạch cao, gang, trong đó nhiều tác phẩm lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Có thể nói tinh thần học tập của người dân Việt Nam đã được các họa sĩ thể hiện qua các tác phẩm hết sức độc đáo và ấn tượng.

Tự hào tôn vinh đất nước, con người ảnh 2

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 31/8. Ảnh: MINH KHIẾU

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, hiếu học chính là truyền thống quý báu của dân tộc. Chính truyền thống hiếu học đã giúp cho chúng ta có được một nền văn hóa đậm chất nhân văn và tạo sức mạnh cho dân tộc. Triển lãm lần này rất có ý nghĩa khi chúng ta tôn vinh truyền thống hiếu học vào đúng dịp Tết Độc lập và chuẩn bị cho một năm học mới sau thời gian ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Những tác phẩm trong cuộc triển lãm lần này không chỉ là dấu ấn về truyền thống hiếu học qua các thời gian mà nó còn giúp cho chúng ta nâng cao hơn nữa tinh thần hướng đến những giá trị của giáo dục. Đặc biệt trong quá trình chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mong muốn giáo dục truyền cảm hứng cho tất cả mọi người để từ đó chúng ta có được kiến thức vững chắc hơn để hội nhập tốt hơn với thế giới. Qua những tác phẩm lần này, chúng ta thấy được rằng trải qua rất nhiều khó khăn nhưng tinh thần học tập, truyền thống hiếu học luôn luôn được giữ vững và giúp cho đất nước có được sức mạnh bằng kiến thức. Từ đó, giúp cho chúng ta có những bước đi vững chắc hơn trong thời gian sắp tới.

Một trong những tác phẩm được người xem triển lãm quan tâm là bức tranh “Công nhân học vẽ”. Tác phẩm “Công nhân học vẽ” của cố họa sĩ Hoàng Công Luận (1930-2021) mô tả lớp học vẽ ngoài giờ của công nhân mỏ Quảng Ninh do chính ông đứng lớp, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm và bảo quản cẩn thận suốt gần 50 năm. Bức sơn dầu khổ 60x80cm này cùng 49 tác phẩm khác của các thế hệ họa sĩ vừa được đưa ra giới thiệu tới công chúng. Nhiều người xúc động với khoảnh khắc run rẩy của bà Vũ Thị Cầm - người vợ họa sĩ khi xem tác phẩm của chồng sau nửa thế kỷ sáng tác. Là nhà giáo, xung phong đi dạy học tại Quảng Ninh trong tám năm, tại đây họa sĩ Hoàng Công Luận gặp cô giáo Cầm lúc ông đang công tác tại Ty Văn hóa Quảng Ninh, hai giáo viên tình nguyện đi dạy học tại đất mỏ đã cảm mến nhau. Sau đám cưới năm 1969, vì sự nghiệp giáo dục phải tạm xa nhau, bà Cầm trở về Hải Phòng tiếp tục dạy học, còn họa sĩ vẫn ở lại với đất mỏ. Cho tới năm 1977, hai người mới đoàn tụ tại Hà Nội. Suốt 19 năm công tác tại đây (1958-1977), với nhiệm vụ phổ cập văn hóa, ông liên tục mở các lớp dạy vẽ cho nhân dân và công nhân vùng than. Nhiều công nhân mỏ, nông dân, kỹ sư, bác sĩ, học sinh từ các lớp vẽ phong trào do ông tham gia đứng lớp đã trở thành họa sĩ.

Đứng bên tác phẩm của chồng, bà Cầm (80 tuổi) chia sẻ, hôm nay, lần đầu tiên được nhìn thấy bức tranh của chồng, tôi thật sự cảm động. Đây là tác phẩm nhà tôi sáng tác năm 1972 tại Quảng Ninh, khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Lúc đó chúng tôi không ở gần nhau nên tôi chưa được nhìn thấy bức tranh này. Có lần khi còn sống ông đã nhắc đến nó và tôi cũng mong có dịp được đi xem, nhưng chưa có dịp. Khi được bảo tàng mời đến khai mạc triển lãm, nói có bức tranh này của chồng khiến tôi rất bất ngờ và xúc động. Phải nói rằng, cuộc triển lãm này rất ý nghĩa khi tổ chức vào thời điểm trước ngày khai giảng năm học mới. Để cho nhân dân và tất cả các em học sinh hiểu rằng việc nêu cao truyền thống hiếu học không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu.