Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:

"Trong bối cảnh mới của thế giới, phải nắm bắt nhanh tình hình để ứng xử phù hợp"

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện chung quanh vấn đề chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thế cuộc có nhiều biến động, phương châm "Dĩ bất biến ứng vạn biến" trong tình hình mới, ý nghĩa của lịch sử và truyền thống hào hùng của quân đội đối với hôm nay...
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh | GIANG HUY
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh | GIANG HUY

Thưa Thượng tướng, xin ông cho biết đánh giá thế nào về tình hình an ninh khu vực và thế giới hiện nay trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang có những diễn biến phức tạp và được đánh giá sẽ làm thay đổi thế cuộc toàn cầu?

Tình hình an ninh thế giới hiện nay có những nét mới và lạ. Nhưng nếu là những nhà phân tích theo dõi đánh giá tình hình một cách có hệ thống thì ngay từ khi bức màn sắt sụp đổ, Liên Xô tan vỡ, khối XHCN Đông Âu không còn thì đã có dự báo thế giới hậu chiến tranh lạnh. Đó là xuất hiện trật tự đa cực, thế giới cần dựa nhiều hơn vào luật chơi chung và lấy luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc làm xương sống, làm tiêu chí cho những mối quan hệ quốc tế. Nhưng các chuyên gia cũng dự báo, hậu chiến tranh lạnh, thế giới sẽ mất ổn định cục bộ ở nhiều nơi và thực tế này đã diễn ra suốt 30 năm nay. Nhân loại luôn mong đợi hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng những gì diễn ra không như vậy, xung đột thường xuyên xảy ra, từ những góc khuất của toàn cầu đến những trọng điểm về mặt chiến lược như châu Á-Thái Bình Dương hay trước đây là giữa trung tâm châu Âu.

Vậy cái mới của tình hình an ninh thế giới ở đây là gì? Theo tôi có hai cái mới. Trước hết đó là tốc độ chuyển hóa từ ổn định sang bất ổn, từ hòa bình sang chiến tranh, từ phát triển sang lụi tàn của một quốc gia hay khu vực diễn ra rất nhanh và rất bất ngờ. Thí dụ như để có một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine như trước đây cần thời gian và diễn biến rất lâu, tăng dần lên và cần sự tác động rất nhiều hướng, nhiều nỗ lực để "giảm nhiệt". Nhưng hiện nay diễn biến cuộc xung đột này xảy ra chóng vánh.

Cái mới thứ hai là cùng với sự phát triển của toàn cầu cũng như từng quốc gia, chưa bao giờ giá trị độc lập của từng quốc gia, dân tộc lại nổi lên như bây giờ. Giờ đây người ta không nói nhiều về ý thức hệ nữa mà đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, nó vừa là mục đích vừa là động lực giúp cho các quốc gia đứng vững hay mất ổn định.

Thế giới đang phải chịu nhiều xung đột do chiến tranh gây ra, nhưng thế giới cũng đang nhận được nhiều bài học tích cực cho sự phát triển chung của nhân loại, đó là bài học về độc lập dân tộc, bài học về tự nỗ lực để bảo vệ mình, bài học không được quá tin ai, quá dựa vào ai, nhất là các nước lớn đến mức lệ thuộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình. Tôi nhận thấy, hóa ra là những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta từ những năm 1945, đến hôm nay lại trở thành tiêu chí của nhân loại, và đúng cho đến ngày hôm nay và chắc sẽ còn đúng.

Nên đánh giá về thế giới hiện nay, tôi không có cái nhìn đen tối, mặc dù tình hình phức tạp, nhưng xu thế mong muốn hòa bình vẫn chủ đạo và lấn át. Những quốc gia theo đuổi đường lối sử dụng sức mạnh để giành lợi ích không chính đáng của mình sẽ phải trả giá, mà trước mắt là bị cô lập và chịu những búa rìu của dư luận quốc tế.

Theo Thượng tướng, tình hình mới về khu vực và thế giới sẽ tác động thế nào tới chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Tôi cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam từ khi Bác Hồ thành lập nước đến nay và trong giai đoạn đổi mới không thay đổi, mặc dù tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Và không thay đổi là đúng đắn. Vì như tôi nói, hóa ra những giá trị mà chúng ta theo đuổi thì bây giờ càng ngày càng được chứng minh là đúng đắn và được thế giới thừa nhận. Vậy chính sách đối ngoại đó là gì? Hai vấn đề căn cốt trong chính sách đối ngoại của chúng ta là vì lợi ích quốc gia dân tộc và độc lập tự chủ. Nhưng bên cạnh đó, không bao giờ quên quan điểm hòa hiếu, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, đóng góp tích cực vào hòa bình ổn định của khu vực và thế giới, theo đuổi những giá trị phổ quát của nhân loại; tôn trọng và bảo vệ những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền, về tự do, về chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế...

Với tình hình thế giới hiện nay, tôi nghĩ công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình cần nhạy bén hơn, thường xuyên hơn để có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, sao cho có lợi nhất cho đất nước mình. Thí dụ, xung đột Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng dầu khí, lương thực, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều gặp khó khăn mà có những nước lại giàu lên, thuận lợi hơn. Nếu chúng ta biết nắm bắt tình hình và kịp thời điều chỉnh chính sách thì có thể tranh thủ được cơ hội; giành được lợi ích trong biến động. Thí dụ, chúng ta có thể điều chỉnh tình hình sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp với thực tế thế giới đang thiếu lương thực nói chung lúa mì nói riêng. Việt Nam có thể làm được điều này vì không tham gia vào cuộc xung đột. Ngược lại, nếu chúng ta tham gia vào cuộc xung đột, đứng ở bên này chống lại bên kia thì sẽ mất quyền lựa chọn.

Nghiên cứu tình hình thế giới, chúng ta thường có câu quen thuộc: "Tình hình cơ bản thuận lợi, nhưng có những khó khăn, phức tạp khó lường". Nhưng với tình hình hiện nay, khó khăn phức tạp nhiều hơn hay thuận lợi nhiều hơn? Tôi cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ thuận lợi về mặt quốc tế, sẽ tạo cơ hội cho những nước có đường lối độc lập tự chủ như Việt Nam lựa chọn chính sách tốt nhất để bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển cho đất nước mình.

Trong bối cảnh thế giới phức tạp, thường dẫn đến áp lực về chọn "phe". Nhưng trong phát biểu mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: "Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng". Xin ông phân tích sâu hơn về quan điểm này và liên hệ với phương châm "Dĩ bất biến ứng vạn biến" - một trong những minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau?

Tuyên bố của Thủ tướng rất chính xác và mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đây cũng là đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra từ thời lập nước và hiện nay được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định. Tôi cho rằng đây là điều vô cùng đúng đắn. Tôi hiểu, câu đó có nghĩa là Việt Nam chọn những giá trị phổ quát của nhân loại, được quy định bởi luật pháp quốc tế và những giá trị đạo lý của loài người. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cũng lựa chọn những cách ứng xử mang lại lợi ích cho Việt Nam và không việc gì chúng ta phải che dấu chuyện đó. Thí dụ, vì sao chúng ta bỏ phiếu trắng, phiếu chống hay phiếu thuận ở Liên hợp quốc. Tôi cho rằng một mặt chúng ta dựa vào công lý quốc tế, nhưng mặt khác cũng vì lợi ích của Việt Nam. Chính nghĩa, theo tôi đó là những giá trị phổ quát của quốc tế và phù hợp lợi ích quốc gia mình, chứ không có chính nghĩa chung chung.

"Dĩ bất biến ứng vạn biến" là phương châm là kế sách ổn định đất nước có từ thời thượng cổ Trung Hoa. Nhưng phương châm ấy thông qua bộ lọc là tư tưởng Hồ Chí Minh trải qua những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước và quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lại có nội hàm mới.

Vậy thì "Dĩ bất biến ứng vạn biến" trong thời đại hôm nay, theo tôi vẫn là quay về những vấn đề cơ bản, trước hết muốn "biến" hay không thì phải xem "biến" thế nào đã. Trong bối cảnh mới hiện nay, phải am hiểu và nắm bắt nhanh chóng tình hình để có cách ứng xử phù hợp.

Mặt khác, chúng ta không bị lôi kéo bởi những tác động từ bên ngoài và kể cả bên trong, đi lệch đường lối đã lựa chọn. Tôi không nói đường lối chúng ta lựa chọn là tuyệt đối đúng. Và sự không tuyệt đối sẽ được điều chỉnh qua từng giai đoạn, nhưng nếu đường lối bị xô đẩy, mỗi lúc lại bị xô đẩy theo những hướng khác nhau, thì đất nước sẽ không bao giờ đi đến đâu. Trong tình hình hiện nay, phải giữ đường lối phát triển đất nước như Đảng ta đã đề ra.

Ngoài ra, tôi tâm niệm một điều, bất biến trong nhận thức cũng rất quan trọng, đó chính là cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, trong sáng, sáng suốt, minh mẫn. Với cái tâm bất biến, mỗi người sẽ nhìn nhận sự vật hiện tượng biến đổi bên ngoài rõ ràng, khách quan và có quyết định đúng đắn.

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò, ý nghĩa của lịch sử kể từ khi thành lập Đảng năm 1930 và lập nước năm 1945 cũng như truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với thời cuộc hôm nay?

Lịch sử thì không đem cân, không đếm được, không đem ra định giá được nhưng mà chúng ta phải nhìn thấy giá trị lịch sử của mỗi quốc gia có giá trị thế nào đối với sự phát triển của quốc gia ấy trong từng giai đoạn.

Với Việt Nam thì lịch sử từ khi thành lập Đảng năm 1930, đến khi thành lập nước năm 1945 và đến hôm nay có giá trị cơ bản, giá trị nền tảng, có giá trị là động lực cho mọi thành tựu của chúng ta hôm nay. Không thể nói rằng chúng ta xây dựng bất cứ thứ gì ngày hôm nay mà không dựa trên một nền móng lịch sử đó. Cho nên vấn đề tôi muốn nói, không phải lịch sử có giá trị như thế nào mà chúng ta hãy tôn trọng lịch sử, học những bài học từ lịch sử và quan trọng nhất là đừng để lịch sử đứt ra khỏi giai đoạn phát triển ngày hôm nay và tương lai. Chúng ta tính toán, phân tích mọi vấn đề của ngày hôm nay phải bắt đầu từ "cái thuở ban đầu" ấy, những bài toán cho tương lai cũng theo mạch đó.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cả trong thời chiến cũng như trong thời bình, phẩm chất quan trọng nhất đối với những người lính Bộ đội Cụ Hồ là tinh thần "phụng sự nhân dân". Chúng ta phải hiểu khái niệm này một cách toàn diện. Trước hết mỗi cán bộ, chiến sĩ của quân đội phải luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, cái gì có lợi cho dân, có lợi cho sự phát triển của đất nước thì làm. Nhìn tổng quát, quân đội phải thấu triệt được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm tốt nhiệm vụ này. Và chính vì thế, sức mạnh quân đội được nhân lên gấp bội, hiệu lực thực hiện nhiệm vụ tăng lên rất nhiều lần, mà chúng ta gọi đó là đội quân lấy tư tưởng chính trị làm đầu để phụng sự nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!