Triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách

Trước những khó khăn, thách thức hiện nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung thu các khoản thu tiềm năng, thu trên nền tảng số, thu từ đất đai, khoáng sản… Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm tăng thu NS, như: chống chuyển giá, trốn thuế, áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế…

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường QH về quyết toán NSNN năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tình trạng lãng phí vẫn còn khá lớn, kể cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất. Cụ thể, lãng phí vật chất có thể kể đến như là: sử dụng lãng phí NSNN, quỹ ngoài NSNN, các nguồn lực nhà nước; các vấn đề liên quan các công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu… Còn lãng phí phi vật chất như là: bỏ lỡ thời cơ thực hiện các cam kết quốc tế; sử dụng nguồn nhân lực, người tài chưa đúng… Về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, về tài chính, NS, về quản lý nguồn lực luôn được nâng cao, quan tâm một cách sát sao. Bộ Tài chính luôn coi đây là một vấn đề cốt lõi. Nếu lãnh đạo mà không kiểm tra thì xem như không lãnh đạo.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2020 lực lượng thanh tra cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện sai phạm 86.369 tỷ đồng, 36.366 ha đất; đã thu hồi 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; kiến nghị xử lý 5.536 ha đất, xử lý 2.123 tập thể, 485 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 97 vụ và thực hiện kiến nghị của kiểm toán được 59.596 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã đôn đốc thực hiện các vấn đề sau thanh tra trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân và chuyển điều tra, khởi tố 12 vụ sau thanh tra. Đồng thời, trong thời gian qua Bộ Tài chính tham mưu, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, theo hướng giải phóng nguồn lực; bít các lỗ hổng tạo thất thoát, lãng phí; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với minh chứng cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP (NĐ 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. NĐ 67 được xem như là văn bản pháp luật mang tính giải phóng nguồn lực, khắc phục được những tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua; phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, cũng như các bộ, ngành quản lý đối với tài sản công. Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành NĐ số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). NĐ số 60/2021/NĐ-CP đã có những thay đổi căn bản so NĐ số 16/2015/NĐ-CP theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các ĐVSNCL; mở đường cho các ĐVSNCL các lĩnh vực như y tế, giáo dục phát triển và giải phóng nguồn lực...

Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) QH cũng đã nêu ý kiến về một số nội dung liên quan công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, ĐB Nguyễn Đức Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, với việc hình thành các chỉ số cụ thể về hiệu quả sử dụng NSNN thì trách nhiệm của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng NSNN được tăng lên, lợi thế riêng của từng địa phương sẽ được phát huy tốt hơn, lúc đó sẽ có nhiều số liệu để phân tích NSNN tốt hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần xây dựng “bộ chỉ số về hiệu quả sử dụng NSNN”, trong thời gian tới.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chúng ta đã ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật và các chỉ số để đánh giá. Bộ trưởng đơn cử như trong kinh tế thì chúng ta có chỉ số ICO; định mức kinh tế kỹ thuật đánh giá về vật chất như: chi phí bỏ ra, kết quả thu được, về vấn đề hiệu quả, định mức chi thường xuyên, định mức chi đầu tư để phân bổ, các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến đầu tư, liên quan đến xây dựng... Các chỉ tiêu xã hội cũng đang được xây dựng gắn với các tiêu chí tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng liên quan vấn đề này, chiều 27/7, tại QH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có bài phát biểu làm rõ thêm ý kiến một số ĐBQH. Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về tình hình thu - chi NSNN, hiện nay chúng ta đang đứng trước những khó khăn lớn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn thu NSNN, từ đó ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi NSNN. Bộ Tài chính sẽ chủ động xây dựng các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, kết hợp chính sách tiền tệ và các công cụ khác, để vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Dù những tháng gần đây, thu NSNN đã sụt giảm, trong đó có nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh, song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trước những khó khăn, thách thức hiện nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ bảo đảm nguồn thu NS, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung thu các khoản thu tiềm năng, thu trên nền tảng số, thu từ đất đai, khoáng sản… Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm tăng thu NS, như: chống chuyển giá, trốn thuế, áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý dữ liệu… Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cho các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Sáng 28/7, với đa số ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. QH thống nhất, 5 năm tới, tổng thu NSNN khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN. 
Tổng chi NSNN khoảng 10,26 triệu tỷ đồng.