Nhạc sĩ Vũ Thành An:

Trăm bài không tên góp nên thương hiệu

Nhạc sĩ Vũ Thành An được công chúng yêu nhạc nhớ đến với hơn 100 tình khúc “Không tên”. Mới đây, bất ngờ gặp nhạc sĩ Vũ Thành An ở Hà Nội. Thời Nay có cuộc trò chuyện với ông.

Nhạc sĩ Vũ Thành An tham gia quay MV “Giai nhân” cùng ca sĩ Ngọc Châm tại Hồ Gươm trong chuyến trở về Việt Nam năm 2019.
Nhạc sĩ Vũ Thành An tham gia quay MV “Giai nhân” cùng ca sĩ Ngọc Châm tại Hồ Gươm trong chuyến trở về Việt Nam năm 2019.

Phóng viên (PV): Thưa ông, lần từ Mỹ trở về Việt Nam này, ông mang theo “bí mật” gì?

Nhạc sĩ Vũ Thành An (VTA): Trong một cuộc gặp gỡ với công chúng yêu nhạc vào năm 2017 ở TP Hồ Chí Minh, tôi có chia sẻ rằng, rất có thể đây là cuộc trở về cuối cùng của tôi. Lúc đó là vì tôi nghĩ tuổi đã cao, sức khỏe thì chưa biết thế nào, lại thêm vợ tôi mắc bệnh phải nằm một chỗ, cần người chăm sóc. Nhưng đến đầu năm nay, tôi lại có chuyến trở về quê hương tương đối dài. Đó là điều thật may mắn. Và may mắn hơn, là tôi được dự những cuộc ra mắt MV, album nhạc của mình do ca sĩ Ngọc Châm thể hiện tại Hà Nội và ra mắt album “Đi trong cuộc đời” của Hồng Anh - con dâu nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại TP Hồ Chí Minh.

Tôi cũng tham gia một vài sự kiện âm nhạc khác, như đêm nhạc ngày 13-4 giới thiệu những sáng tác mới của Vũ Thành An tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đặc biệt, trong chuyến về Việt Nam lần này tôi còn chuẩn bị khai trương mái ấm An Vũ - nơi nuôi dưỡng những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không có gia đình và người già cô đơn.

PV: Con đường âm nhạc của Vũ Thành An có nhiều chuyện thú vị. Đáng chú ý có một dấu mốc là khi sáng tác tới ca khúc “Không tên số 50”, ông đã ngừng sáng tác. Vì sao lại có quyết định này, thưa ông?

VTA: Đúng vậy, tôi khi viết xong tình khúc “Không tên số 50” tôi đã quyết định dừng lại. Đó là vào năm 1995. Khi ấy tôi muốn chấm dứt, bỏ hết tất cả để đi tu. Thời điểm đó tôi có làm CD “Tình ơi giã biệt” như một lời chào từ biệt với âm nhạc. Trong thời gian dừng lại đó, bên cạnh việc chăm lo gia đình, tôi lại nghe tiếng gọi của cuộc đời, đi ra cùng mọi người làm những việc bác ái. Đi đâu tôi cũng được yêu cầu sáng tác nhưng tôi cương quyết từ chối.

Cho đến 20 năm sau, vào năm 2015, tôi đọc được câu thơ: “Mối tình đầu là hạt giống trăm năm” của một người bạn. Tôi nghĩ, trời ơi sao ông ấy có ý tưởng hay như vậy, mỗi người chúng ta đều có mối tình đầu không thể quên, sẽ sống mãi mãi trong cuộc đời. Vũ Thành An có ý nghĩ ơn trên cho mình khả năng sáng tác, tại sao mình không dùng để đem lại cái đẹp cho cuộc đời, đem lại niềm an ủi yêu thương cho người khác? Tôi bắt đầu sáng tác trở lại… Đó là cái duyên đưa tôi trở về với âm nhạc.

PV: Và ông lại viết, đến nay đã có tình khúc “Không tên 101”. Nhiều người muốn biết, vì sao nhạc sĩ lại duy trì hai chữ “Không tên” cho cả trăm tình khúc của mình?

VTA: Với tôi, những bài hát cũng như những bông hoa vậy. Còn việc đặt tên bài hát, đó là chủ ý ngay từ đầu của tôi. Tôi quan niệm, làm nghệ thuật thì điều quan trọng nhất, để thành công phải có điều gì đó riêng, gây chú ý, để nó là thương hiệu riêng của mình. Và bằng cách đặt “Không tên” cho những ca khúc của mình, tôi đã ít nhiều gây được ấn tượng riêng, khiến mọi người đều nhớ đến nhạc sĩ Vũ Thành An. Với tôi, thế là thành công rồi.

PV: Nhạc sĩ có thể chia sẻ công việc thường ngày của mình? Ông thường viết nhạc khi nào?

VTA: Cuộc sống của tôi ở Mỹ bây giờ khá bận rộn. Vợ tôi ốm nhiều năm nay, bà ấy bị bệnh mất trí nhớ, nên thời gian của tôi chủ yếu dành để chăm sóc vợ. Cái mà bà nhà tôi cần nhất là sự hiện diện của tôi ở nhà để nhắc nhở bà ấy ăn đúng bữa, uống thuốc đúng liều… Khi tôi về Việt Nam thì phải nhờ một người con chăm sóc bà. Tôi đi làm từ thiện ở nhiều nơi không phải để tìm kiếm niềm vui cho riêng mình mà để dồn phước cho bà ấy cùng gia đình. Tôi nghĩ, con người ở trong bất cứ tuổi nào cũng có tình thương yêu. Nhưng người phụ nữ khi đã có tình yêu thì phải biết nâng niu, giữ gìn. Cội rễ của niềm hạnh phúc gia đình là phụ nữ, gia đình hạnh phúc hay không phần lớn là do người vợ.

Bây giờ tuổi cao, tôi viết nhạc khi nào rảnh và thấy có nét nhạc mới là ghi lại, cầm đàn phát triển thành bài. Sau đó có thể gửi cho những người bạn, những người tôi yêu mến đề đặt lời cho ca khúc đó. Như tình khúc “Giai nhân” mới đây, khi viết xong nhạc, tôi gửi về Việt Nam cho ca sĩ Ngọc Châm viết lời. Trước đó, là ca khúc “Hà Nội tôi yêu trái tim khờ”, sau khi hoàn thành phần nhạc tôi mời nhà thơ Lê Viết Hòa viết lời và cả hai cùng hoàn thiện ca khúc. Cũng có khi tôi đọc được bài thơ hay, ý thơ hay là ngồi viết ca khúc mới…

PV: Tình khúc của ông được nhiều ca sĩ trong nước biểu diễn, có điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn?

VTA: Mỗi ca sĩ khi hát những sáng tác của tôi đều để lại một mầu sắc riêng, và tôi tôn trọng những sáng tạo của mọi người. Nhưng tôi mong rằng các ca sĩ khi hát bài hát của tôi đừng đổi lời. Lời bài hát bao giờ cũng có ý tứ của người sáng tác, gửi gắm trong từng câu chữ. Việc tự ý thay đổi lời sẽ phần nào mất đi ý nghĩa của bài hát. Bây giờ, dù tôi sống xa Tổ quốc, nhưng chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể liên hệ được với tôi rồi. Đừng ngại, hãy liên lạc với tôi, tôi sẵn sàng trả lời và giải đáp tường tận…

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!