Trái tim của “Voi rừng”

Giành được rất nhiều danh hiệu trong suốt sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao, nhưng với Đ.Đrô-gba (Didier Drogba), chẳng có vinh quang nào sánh bằng việc mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Bờ Biển Ngà. Anh, một cầu thủ bóng đá, đã góp phần hàn gắn vết thương cho đất nước của mình, bằng tất cả những gì có thể.

Trái tim của “Voi rừng”

Từ ngôi sao sân cỏ

Chào đời tháng 3-1978 ở thủ đô Abidjan (Bờ Biển Ngà), Didier Drogba sớm được người chú ruột - một cầu thủ bóng đá - đón qua Pháp sinh sống khi mới lên 5 tuổi. Chính thức thi đấu chuyên nghiệp ở độ tuổi 15 với câu lạc bộ (CLB) Levallois, và đến năm 2003, sự nghiệp của Drogba dần vươn lên một tầm cao mới khi nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu hàng đầu nước Pháp (Ligue 1) tại CLB Marseille. Cuối mùa bóng, Drogba đã lập kỷ lục về mức giá chuyển nhượng cao nhất dành cho một cầu thủ châu Phi (24 triệu bảng Anh) khi đến CLB Chelsea.

Những gì diễn ra ở Giải Ngoại hạng Anh sau đó, đơn giản, đã đưa tên tuổi Drogba bước vào hàng ngũ những huyền thoại của đội bóng thủ đô xứ sở sương mù. Nhắc tới anh là nhắc tới nỗi kinh hoàng của mọi hàng phòng ngự, với khả năng “san bằng mọi vật cản”, với lối chơi vô cùng dũng mãnh và máu lửa - điều mang tới cho anh biệt danh “Voi rừng”.

Trái tim của “Voi rừng” ảnh 1


Trong màu áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG), Drogba trở thành đội trưởng từ năm 2006 và đã đóng góp tổng cộng 65 bàn thắng sau 104 lần ra sân. Anh cũng giành được rất nhiều danh hiệu cá nhân cao quý khác như Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi (2006, 2009), Cầu thủ xuất sắc nhất Bờ Biển Ngà (2006, 2007, 2012)… Và cho đến hôm nay, lục địa đen vẫn chưa sản sinh ra một tiền đạo nào xuất sắc đến như vậy.

Đến “vị cứu tinh”

Thời điểm Drogba chơi bóng đỉnh cao cũng là lúc đất nước Bờ Biển Ngà đang bị nội chiến tàn phá. Chính trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, ở mảnh đất quê nhà, Drogba không chỉ được tôn vinh như một ngôi sao bóng đá đơn thuần.

Bóng đá không thể giải quyết ngọn nguồn những căng thẳng về dân tộc và văn hóa cũng không tự mang đến một tiến trình hòa bình bền vững. Nhưng phải thừa nhận rằng, chính môn thể thao vua chứ không phải bất kỳ một nhà ngoại giao nào đã khiến người dân Bờ Biển Ngà xích lại gần nhau hơn. Hình ảnh Drogba (một người miền nam) khoác vai đồng đội Kolo Toure (một tín đồ Hồi giáo phía bắc) đã truyền tải một thông điệp sâu sắc: Dù thế nào, bạn vẫn cùng chung một dòng máu.

Sau chiến thắng 3-1 trước ĐT Xu-đăng (Sudan) để giành vé tới World Cup 2006, lúc phóng viên ghi lại khoảnh khắc ăn mừng trong phòng thay đồ, Drogba mạnh mẽ bước tới, giật phăng lấy micro, yêu cầu cả đội im lặng để rồi phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình: “Hỡi những người đàn ông và phụ nữ của Bờ Biển Ngà, từ nam ra bắc, dù là miền trung hay phía tây! ĐTQG đã chứng minh rằng tất cả mọi người đều có thể chung sống cùng nhau và hướng trái tim tới mục tiêu cao cả là tham dự World Cup. Ngày hôm nay, chúng tôi quỳ gối cầu xin mọi người. Hãy để chiến thắng này là niềm vui của toàn thể dân tộc!”.

Dứt lời, anh và toàn đội đồng loạt quỳ xuống sàn nhà, hướng ánh mắt vào camera: “Đất nước chúng ta không thể bị tàn phá bởi chiến tranh! Hãy tổ chức bầu cử lại, rồi mọi chuyện sẽ tốt lên”.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ hết mình của đông đảo người dân, bằng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của mình, Drogba đã thuyết phục thành công tổng thống Bờ Biển Ngà dời địa điểm tổ chức trận đấu vòng loại Cúp vô địch châu Phi (CAN) 2008 gặp ĐT Madagascar từ thủ đô Abidjan về Bouaké - nơi đóng quân của phe Hồi giáo miền bắc. Thế rồi, sức hút vô hình của môn thể thao vua cộng thêm tính chất đặc biệt quan trọng của trận cầu cấp quốc tế ấy đã trở thành cầu nối duy nhất, cũng chính là yếu tố then chốt giúp tháo gỡ tình hình chiến sự có chiều hướng leo thang, cứu hàng nghìn sinh mạng vô tội thoát khỏi những màn đấu súng vô nghĩa. Sân vận động 25 nghìn chỗ ngồi chật kín những binh sĩ hai phía. Không xung đột, cũng chẳng một tiếng súng. Vượt qua khác biệt về sắc tộc, tôn giáo và tư tưởng, họ ngồi xen kẽ lẫn lộn, cùng hòa mình vào bữa tiệc bóng đá.

Với quyết tâm nỗ lực chấm dứt xung đột, Drogba đã khéo léo khơi dậy tình yêu bóng đá trong mỗi người làm nền tảng và công cụ để xây dựng một cuộc sống bình yên. Chính điều tưởng chừng như đơn giản này đã biến Drogba trở thành người anh hùng đích thực, vượt qua tầm vóc của một siêu sao bóng đá đơn thuần. Năm 2011, chiến tranh chấm dứt, ước mơ cháy bỏng của anh đã thành.

Cùng một trái tim nhân hậu

Không chỉ góp phần quan trọng hàn gắn đất nước, cuối năm 2009, Drogba đã quyên góp ba triệu bảng Anh nhằm xây dựng bệnh viện tại quê nhà Abidjan thông qua quỹ tài trợ cá nhân mang tên “Didier Drogba Foundation”. Anh hy vọng rằng, những bệnh viện mới sẽ giúp cho người dân nước này có thể có được cơ hội sống sót cao hơn, hay chí ít là được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất.

Tấm lòng hướng thiện của Drogba cũng được minh chứng với nhiều lần tài trợ cho các trẻ em nghèo và bị bệnh ở châu Phi. Trung vệ John Terry - cựu thủ quân của CLB Chelsea đã nhận xét về người đồng đội cũ: “Didier đã làm một công việc tuyệt vời. Cậu ấy thật sự quan tâm và luôn muốn giúp đỡ một cách tốt nhất cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và bệnh tật. Cậu ấy dành trọn tình cảm cho đất nước mình, và người dân Bờ Biển Ngà cũng yêu cậu ấy”.

Tổng Biên tập tạp chí Time, ông Richard Stengel đã phát biểu trong lễ công bố bầu chọn Drogba là một trong “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010”: “Ở Bờ Biển Ngà, anh ấy đã đứng lên kêu gọi hàn gắn vết thương nội chiến, bãi bỏ xung đột để cùng ủng hộ ĐTQG tại World Cup 2006. Là một người hùng khi tài trợ tiền xây dựng những bệnh viện cho những người nghèo. Vì thế, các lực lượng vũ trang đã đồng ý giải giáp vũ khí, chấm dứt chiến tranh và chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đó là thành quả tốt đẹp để chúng ta tôn vinh Drogba”.