Theo The Straits Times, trang trại nuôi cá công nghệ cao có tên Eco-Ark nằm ở ngoài khơi bờ biển Pulau Ubin của Singapore bao gồm một quy trình khép kín, từ xử lý trứng cá mới nở cho đến hoàn thiện sản phẩm đóng gói và giao đến tận nhà khách hàng. Eco-Ark có thể cung cấp lên nhiều loại thủy hải sản bao gồm cá hồng, cá mú…, tất cả đều nuôi trong điều kiện an toàn không sử dụng vaccine, thuốc kháng sinh hay hormone tăng trưởng.
Đây là trang trại đầu tiên trong số hơn 100 trang trại nuôi cá ven biển ở Singapore triển khai ứng dụng công nghệ cao, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đồng thời, với hệ thống theo dõi giám sát, trại cá giống của Eco-Ark cũng góp phần thúc đẩy nguồn cung cá nuôi làm thực phẩm của Singapore.
Là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% lương thực, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu như tình trạng nhiệt độ đại dương cao hơn và mức oxy giảm đang gây căng thẳng cho ngành nuôi trồng thủy sản của Singapore. Các yếu tố môi trường thay đổi đồng nghĩa với nguy cơ dịch bệnh cho cá tăng theo. Song, cá nuôi trong các nhà bè khép kín như Eco-Ark không tiếp xúc trực tiếp với nước biển như cá nuôi trong lồng, do đó có thể bảo vệ con giống khỏi những rủi ro dịch bệnh, thiên tai.
Phó GS Matthew Tan, chuyên gia về phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của Singapore cho biết: “Một trong những khía cạnh quan trọng của nuôi cá công nghệ cao là sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Các hệ thống này giảm việc sử dụng nước bằng cách liên tục tái chế và xử lý nước, giảm nhu cầu nước đầu vào. RAS cũng cho phép kiểm soát tốt hơn các điều kiện chất lượng nước, chẳng hạn như nhiệt độ, nồng độ oxy và loại bỏ chất thải, bảo đảm điều kiện tối ưu cho sự phát triển của cá”.
Chỉ ra vấn đề lãng phí thức ăn cho cá đang gây khó khăn trong ngành nuôi trồng thủy sản, ông Tan nói rằng, việc sử dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích video có thể giúp người nuôi theo dõi cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. “Nếu nước quá lạnh hoặc cá đang trong giai đoạn căng thẳng hay đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh, cá sẽ không ăn. Nhưng nếu người nuôi có video phân tích trong bể và AI phát hiện hành vi bơi lội bất thường, nó có thể gửi tín hiệu đến máy cho ăn tự động để ngừng cho ăn và cảnh báo cho công nhân trang trại. Điều này sẽ giúp giảm lãng phí thức ăn và chi phí”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, số liệu từ Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cho thấy, vào năm 2019, chỉ 9% lượng cá tiêu thụ được đánh bắt, sản xuất trong nước. Vì vậy, giới chức Singapore cũng tích cực kêu gọi người dân Singapore lựa chọn cá nuôi tại các trang trại địa phương, vì điều này góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Để khuyến khích thêm nhiều khách hàng ủng hộ sản phẩm thủy hải sản của Singapore, SFA đã ra mắt bộ tem nhãn nhận diện vào năm 2020 để giúp người mua hàng dễ dàng nhận biết thực phẩm trong nước.
Đồng thời, thông qua Quỹ chuyển đổi thực phẩm nông nghiệp (ACT), các trang trại cá của Singapore có thể nhận được tài trợ để mua thiết bị, cũng như thử nghiệm thí điểm quy mô nhỏ để tăng năng suất. GS William Chen, Giám đốc Chương trình Khoa học và Công nghệ thực phẩm của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) chia sẻ: “Đây là thời điểm để những người nuôi cá của Singapore cân nhắc xem họ tiếp tục nuôi trồng theo cách truyền thống hay có khả năng mở rộng đầu tư cho công nghệ hay không. Họ có thể làm việc với chính phủ hoặc các nhà đầu tư để phát triển mô hình kinh doanh mới giúp tăng mức lợi nhuận của mình”.
Thông qua nhiều chính sách thay đổi đối với các hoạt động sản xuất, khai thác trong vùng biển của nước này, các chuyên gia Singapore dự báo điều này có thể thúc đẩy nhiều nhà đầu tư lớn tìm tới những giải pháp nuôi trồng công nghệ cao để giảm chi phí về lâu dài.