Sức hút trở lại của sumo Nhật Bản

Theo The Mainichi, vé của 90 ngày thi đấu tại 6 giải đấu sumo lớn trong năm nay ở Nhật Bản đã được bán hết. Đây là lần đầu trong 28 năm qua sumo đánh dấu cột mốc quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Các tour du lịch gắn liền với sumo thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: AFP
Các tour du lịch gắn liền với sumo thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: AFP

Sumo là môn thể thao truyền thống lâu đời, có từ thế kỷ thứ 6 và chính thức trở thành môn thể thao quốc gia Nhật Bản từ năm 1909. Trận đấu sumo đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản diễn ra vào năm 695. Năm 728, Nhật Bản chọn một ngày trong năm làm "Ngày sumo" và đến năm 1909, sumo chính thức được coi là "quốc kỹ". Năm 1996 có thể coi là năm đỉnh cao của bộ môn này khi thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi với sự xuất hiện của hai huyền thoại Wakanohana và Takanohana, những võ sĩ sumo khuynh đảo thế giới.

Tuy nhiên, môn thể thao cổ xưa này đã gặp khó khăn sau một loạt vụ bê bối, điển hình là vụ dàn xếp tỷ số năm 2011. Vài năm trở lại đây, khán giả đã bắt đầu có những tín hiệu quan tâm tích cực trở lại đối với bộ môn này. Trong những ngày thi đấu từ năm 2017 đến năm 2019, ước tính khoảng 80% số ghế khán giả được lấp đầy. Hiệp hội sumo Nhật Bản cho biết, vé xem sumo cho tất cả 15 ngày của mỗi giải đấu lớn năm 2024 đã được bán hết. Đây là lần "cháy vé" đầu tiên trong vòng 28 năm trở lại đây.

Ngày 10/11, Kyush - giải đấu sumo cuối cùng trong năm chính thức khai màn. Ngay từ khi chưa bắt đầu, sự kiện này thu hút đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là với sự xuất hiện của võ sĩ Onosato. Hồi tháng 9 vừa qua, Onosato đã giành chức vô địch cấp cao lần thứ 2 chỉ sau ba giải đấu và được thăng hạng lên Ozeki, cấp bậc cao thứ 2 trong thế giới sumo, chỉ sau 9 giải đấu chuyên nghiệp. Đây là một tốc độ thăng tiến đáng kinh ngạc, cho thấy tiềm năng vượt trội của anh trong thế giới sumo.

Trước đó, năm 2023, Hiệp hội sumo Nhật Bản cho biết, các tour du lịch gắn liền với bộ môn sumo trở nên đắt khách ở “xứ mặt trời mọc”. Ông Ken Miller, một hướng dẫn viên du lịch người Mỹ chuyên các tour Nhật Bản chia sẻ, các tour tham quan "thánh địa" Ryogoku của võ sumo ở Thủ đô Tokyo, nơi có đấu trường Kokugikan tăng vọt những năm gần đây. Dù giá vé lên tới hàng trăm USD, song các tour này thường xuyên kín hết lịch trong năm.”Sumo không chỉ là môn thể thao, mà còn là một phần văn hóa của Nhật Bản. Do đó nhiều du khách muốn khám phá bộ môn này”, ông Miller nhận định.

Bà Kiernan Riley, 42 tuổi, du khách đến từ Arizona (Mỹ) chia sẻ: "Tôi và các con rất vui khi thử cảm giác đấu vật với các sumo. Họ trình diễn rất hay. Đây chắc chắn là điểm nhấn trong chuyến du lịch Nhật Bản của chúng tôi. Sumo đã cho thấy những nét thú vị trong văn hóa của đất nước này”. Theo The Mainichi, trước đây du khách có thể tham quan "heya", nơi các đô vật sumo sinh sống và huấn luyện theo chế độ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do mức độ quan tâm ngày càng tăng, nhiều heya đã cấm khách lẻ vào xem và chỉ đón tour đoàn.

Theo ông John Gunning, cựu đô vật sumo nghiệp dư từng thi đấu ở Ireland, mức độ phổ biến của môn thể thao này ở các nước trên thế giới đã tăng vọt trong 5 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19, khi những người mắc kẹt vì lệnh phong tỏa muốn khám phá các môn thể thao mới mà họ chưa từng trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc phát hành Sanctuary, bộ phim truyền hình trên Netflix về thế giới sumo, cũng giúp môn võ này được nhiều người biết tới hơn. "Nhờ bộ phim này, lần đầu nhiều người biết tới sumo", ông Gunning cho biết. Hiệp hội Sumo Nhật Bản đã ra mắt kênh YouTube bằng tiếng Anh có tên Sumo Prime Time, với các video thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Với những tín hiệu tích cực thời gian qua, sumo đã cho thấy khả năng hồi sinh mạnh mẽ. Việc công chúng quan tâm bộ môn này đã cho thấy sức hút trở lại không chỉ của sumo mà còn của nền văn hóa cổ truyền Nhật Bản trong dòng chảy hiện đại.