Theo CNN, những chiếc thuyền máy nằm trơ trọi trên bùn khô nứt nẻ là khung cảnh được ghi nhận nhiều ngày qua tại khu vực hồ Puraquequara ở Manaus, bang Amazonas. Thông thường, khi mực nước hồ cao, những con thuyền này được dùng để chở cá, trái cây, rau quả hoặc chở khách du lịch đến tham quan ngã ba sông Rio Negro và Solimoes, nơi đổ ra sông Amazon hùng vĩ. Khi hồ Puraquequara khô cạn, việc kinh doanh của các chủ sở hữu thuyền gặp khó khăn. "Doanh số bán hàng đã giảm và có những ngày chúng tôi hầu như không kiếm đủ tiền để sống", Otenisio de Lima, người dân tại khu vực này cho biết.
Nước cạn cũng khiến tàu, thuyền của ngư dân không thể tiếp cận ngôi làng, từ đó hầu hết các nguồn thực phẩm đều không thể đến tay người dân. Isaac Rodrigues, một cư dân địa phương khác buồn rầu nói: "Hạn hán khiến chúng tôi bị cô lập, tàu thuyền không thể ra vào hồ”. Cũng theo người này, do nước sông Amazon cũng như hồ Puraquequara khô cạn, người dân quanh khu vực đành phải đào giếng để dẫn nước vào những ngôi nhà nổi dựng lên trong lòng hồ.
Việc hạn hán nghiêm trọng ở hồ Puraquequara, phía đông Manaus, thủ phủ của bang Amazonas đã khiến thuyền và các tòa nhà nổi bị mắc kẹt trong bùn. Đây là thí dụ mới nhất về tác động tàn phá của nắng nóng và hạn hán đối với khu vực này của Brazil. Trước đó, đầu tháng này, các nhà chức trách phát hiện xác hơn 100 con cá heo dạt vào bờ khi nhiệt độ nước tăng cao.
Theo Trung tâm Giám sát thiên tai Brazil, mặc dù khu vực Amazon đã phải đối mặt ít nhất 3 đợt hạn hán dữ dội trong 20 năm qua nhưng quy mô của đợt hạn hán lần này là khủng khiếp nhất khi nó ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Amazon. Số liệu của chính quyền bang Amazonas (Brazil) cho thấy, 42 trong số 62 thành phố của bang này hiện trong tình trạng khẩn cấp với hơn 300.000 người bị ảnh hưởng. Tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn với khoảng 500.000 người tại 50 thành phố bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Ông Guilherme, người gắn bó với nhánh sông Rio Negro năm nay đã 75 tuổi chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Amazon. Nhưng hơn một năm qua, hầu như không còn kiếm được gì vì nước sông quá cạn, cá chết và cũng không sinh sôi được nữa”.
Cuối tháng 9, ông Wilson Lima, Thống đốc bang Amazonas, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đề ra các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cung cấp thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do hạn hán. "Có nhiều người đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm, an ninh lương thực, nước uống và các nguyên liệu quan trọng khác", ông Lima cho biết.
Theo bà Ana Paula Cunha, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Giám sát thiên tai Brazil, mùa khô thường kéo dài trong khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm. Cơ quan Địa chất Brazil (SGB) cảnh báo mực nước sông còn tiếp tục giảm nếu như từ tháng 10 năm nay trời vẫn ít mưa. Đại diện của SGB cho rằng, nếu coi tháng 9/2023 là tháng khô hạn lịch sử thì sau một năm, hạn hán đã ở mức độ dữ dội hơn. “Những cộng đồng dân cư sống dựa vào sông Amazon đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dòng sông vĩ đại này cạn dòng là một minh chứng rõ nét nhất khí hậu Trái đất đang biến động mạnh”, bà Cunha nhấn mạnh.
Trước tình hình nghiêm trọng tại Amazonas, Chính phủ Brazil đang chuẩn bị triển khai hỗ trợ khẩn cấp cho cư dân địa phương. Dù vậy, các chuyên gia khí tượng cho biết, nếu biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến cực đoan, dòng sông Amazon sẽ đứng trước những nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng cuộc sống của người dân quanh khu vực này. Do đó, các chuyên gia cũng kêu gọi giới chức những quốc gia quanh khu vực cần có các biện pháp hỗ trợ, giúp người dân địa phương thích nghi với những diễn biến xấu.