Ireland đổi mới ngành chăn nuôi

Sản xuất nông nghiệp là động lực chính của nền kinh tế Ireland. Là một quốc gia chăn nuôi gia súc lớn, Ireland sản xuất nhiều sản phẩm gia tăng từ ngành chăn nuôi. Khoảng 80-90% thịt bò và các sản phẩm từ sữa của nước này xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp Ireland. Ảnh: IRISH TIMES
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp Ireland. Ảnh: IRISH TIMES

Nông nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế nông thôn ở Ireland, chiếm 7,1% tổng số việc làm. Chăn thả gia súc trên đồng cỏ là một ngành không thể thiếu trong nền kinh tế nông thôn và tạo ra một phần đáng kể công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động ở Ireland. Lĩnh vực này chủ yếu bao gồm sản xuất sữa và thịt bò, giúp mang lại cho Ireland lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu khi xuất khẩu. Hệ thống chăn thả gia súc trên đồng cỏ lấy sữa và thịt bò có lịch sử lâu đời ở Ireland và đang chiếm phần lớn sản lượng trong ngành nông nghiệp, tạo ra hơn 73% sản lượng nông sản của quốc gia này; 84% diện tích đất nông nghiệp ở Ireland được dùng để duy trì những đồng cỏ chăn nuôi gia súc như vậy.

Mặc dù vậy, theo ông Lorcan Rocher Kelly, chuyên gia của Cơ quan Phát triển nông nghiệp và thực phẩm Ireland, quốc gia này đang phải đối mặt những thách thức đặc biệt do phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi. Là ngành tạo ra lượng khí nhà kính (GHG) lớn nhất, chiếm 34% tổng lượng phát thải ở Ireland, ngành nông nghiệp ở Ireland vì vậy đứng trước áp lực ngày càng tăng trong việc đạt được các mục tiêu nhằm giảm 25% lượng khí nhà kính trong nông nghiệp vào năm 2030.

Tại Trung tâm nghiên cứu động vật và đồng cỏ Teagasc Moorepark, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tiềm năng giảm thiểu GHG ở Ireland và chi phí liên quan các biện pháp khác nhau. Ông Lorcan cho biết, việc nghiên cứu và thống kê giúp các nhà hoạch định chính sách ra quyết định phân bổ nguồn lực để giảm phát thải, cũng như nêu bật tính hiệu quả về mặt chi phí giữa các phương án. “Đây cũng là một trong những công cụ chính cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách nhằm xây dựng lộ trình cho ngành”, ông nói.

Trong khi đó, một số nhà sản xuất và xuất khẩu sữa hàng đầu của Ireland đã bắt đầu đưa vào áp dụng những biện pháp mới để duy trì những trang trại bò sữa có hiệu quả kinh tế, vừa trung hòa khí hậu. Trang trại Zero C (FZC), nơi hợp tác giữa nhà chế biến sữa và các công ty phân phối, đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện bằng cách kết hợp giảm GHG, cải thiện chất lượng nước và đa dạng sinh học trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh có lãi. Theo Cơ quan phát triển nông nghiệp và thực phẩm Ireland, hệ thống chăn thả ngoài trời lên tới 300 ngày mỗi năm, kết hợp với các kiểu thời tiết khó dự đoán khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là liên quan khí thải và chất lượng nước.

Ông Lorcan cho biết thêm: “Điều này có nghĩa là nhu cầu về công nghệ và đổi mới phù hợp ngày càng tăng. Chúng tôi đang tiếp cận dựa trên hai hướng, giảm khí metan và giảm khí thải nitơ trong ngành chăn nuôi. Giảm khí thải từ việc chăn nuôi động vật nhai lại là ưu tiên hàng đầu của ngành, có thể thực hiện qua công nghệ lưu trữ mới. Khi nói đến lượng khí thải nitơ, N2O và amoniac (NH3), vấn đề chính ở Ireland nằm ở chất lượng nước chứa hàm lượng nitrat tăng lên. Các hành động giảm thiểu bao gồm quản lý chất dinh dưỡng trong đất nhằm giảm nitrat xâm nhập vào nguồn nước là ưu tiên hàng đầu, cùng việc tăng cường đa dạng sinh học, trồng cây và thay đổi tập quán sử dụng các loại phân bón”.

Trong bối cảnh những thách thức về môi trường đang tác động sâu sắc đến hệ thống nông nghiệp-thực phẩm toàn cầu, để giải quyết thách thức này, Ireland đang áp dụng các nguyên tắc đổi mới hệ thống, cải tiến về công nghệ và nông nghiệp thông minh. Quốc gia này có lợi thế để tận dụng nhiều giải pháp sáng tạo từ nền kinh tế sinh học tuần hoàn, nhằm đạt được mục tiêu về hệ thống thực phẩm bền vững, thông qua đó có thể cân bằng khả năng tồn tại về mặt kinh tế với trách nhiệm về môi trường.